Từ thực tiễn kiểm soát tốt dịch bệnh của Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã chia sẻ với các nhà lãnh đạo G20 nhiều biện pháp về thúc đẩy hợp tác, hành động chung trong ứng phó với dịch COVID-19.
Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến G20 về ứng phó dịch COVID-19 đã bắt đầu từ 19 giờ đến 21 giờ ngày 26/3/2020 (giờ Việt Nam) theo sáng kiến của nước Chủ tịch G20 Saudi Arabia.
Đây là hội nghị thượng đỉnh đặc biệt của G20 trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang bùng phát nhanh trên toàn cầu, tác động sâu sắc và nhiều mặt đến kinh tế thế giới, cũng như sự ổn định, phát triển của nhiều quốc gia.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến G20 về ứng phó dịch COVID-19 |
Tham dự Hội nghị trực tuyến có các nguyên thủ, lãnh đạo cấp cao các nước thành viên G20 và một số nước khách mời, cùng lãnh đạo các tổ chức quốc tế lớn như Liên hợp quốc (UN), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO)…
Tại hội nghị trực tuyến, các nhà lãnh đạo đã nhất trí triển khai mọi biện pháp y tế cần thiết để ngăn chặn dịch COVID-19; chia sẻ thông tin kịp thời và minh bạch, kinh nghiệm và thực tiễn tốt trong ngăn chặn sự lây lan, phát hiện và điều trị các ca lây nhiễm; tăng cường phối hợp trong nghiên cứu và phát triển vắcxin, thuốc đặc trị, đồng thời nâng cao khả năng chống chịu và sự phối hợp trong ứng phó với các dịch bệnh lây nhiễm trong tương lai.
Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị cam kết sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ, tài khóa và các biện pháp kinh tế để giảm thiểu các tác động của dịch COVID-19 đối với phát triển kinh tế-xã hội. Hội nghị nhất trí phối hợp giảm thiểu các tác động của dịch COVID-19 đối với thương mại quốc tế, bảo đảm sự vận hành của các chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là các nguyên vật liệu, sản phẩm y tế thiết yếu.
Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung G20 về ứng phó dịch COVID-19, trong đó thể hiện quyết tâm chính trị, cam kết mạnh mẽ và đoàn kết trong phòng, chống dịch COVID-19, cũng như thúc đẩy kinh tế toàn cầu phát triển bền vững, bao trùm.
Chia sẻ với các nhà lãnh đạo tại Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến G20, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định đoàn kết, hợp tác, phối hợp toàn cầu và khu vực là rất quan trọng; khẳng định quyết tâm, cam kết của Việt Nam trong chống dịch COVID-19; nhấn mạnh Việt Nam kiên trì thực hiện mục tiêu kép là kiểm soát dịch bệnh và tiếp tục phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Thủ tướng Chính phủ khẳng định Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 đã và đang cùng các nước ASEAN đề cao tinh thần Cộng đồng "gắn kết và chủ động thích ứng" thực hiện mạnh mẽ các biện pháp, phối hợp hành động chống COVID-19, đồng thời hợp tác chia sẻ thông tin, kinh nghiệm với nhiều nước G20 và các đối tác.
Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh vai trò quan trọng, đóng góp tích cực của G20 cũng như các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, WHO, WB, IMF, WTO trong cuộc chiến chống COVID-19.
Từ thực tiễn kiểm soát tốt dịch bệnh của Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã chia sẻ với các nhà lãnh đạo nhiều biện pháp về thúc đẩy hợp tác, hành động chung trong ứng phó với dịch COVID-19 như tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ công nghệ, kỹ thuật trong xét nghiệm, kiểm soát và điều trị; tranh thủ sự đồng lòng, hợp tác, tham gia vào cuộc của người dân, các tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang; tập trung chống dịch đi đôi với thúc đẩy, tạo thuận lợi cho hợp tác thương mại, đầu tư, duy trì chuỗi cung ứng và sản xuất, tạo việc làm, ổn định cuộc sống người dân; hợp tác bảo đảm an toàn cho công dân Việt Nam và các nước ASEAN đang sinh sống ở các nước G20…
Sự tham dự và chia sẻ những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt thúc đẩy hợp tác của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến G20 đã khẳng định sự ủng hộ, hợp tác của Việt Nam đối với G20 và cộng đồng quốc tế trong chống dịch COVID-19, thể hiện Việt Nam là thành viên chủ động, tích cực và đóng góp có trách nhiệm vào tăng cường hợp tác toàn cầu trong ứng phó với các thách thức chung.
Nguồn: Báo Công thương