"Khát" nguyên liệu
Những ngày qua, khi đề cập tới khó khăn của DN sản xuất trong nước do dịch Covid-19, câu chuyện khan hiếm, đứt gãy nguồn nguyên liệu được nói tới nhiều hơn cả. Một trong những ngành hàng điển hình chịu sự tác động này là da giày.
Dệt may là ngành hàng điển hình đang đối mặt nhiều khó khăn do dịch Covid-19. Ảnh: Nguyễn Thanh |
Ông Nguyễn Thanh Tùng-Tổng giám đốc Công ty TNHH Hóa dệt Hà Tây cho biết: Công ty chuyên sản xuất giầy lưu hóa, giầy thể thao, ép phun với công suất tối đa đạt 120.000 đôi/tháng. Thị trường XK chính là châu Âu, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, trong đó, 60% xuất sang thị trường Anh. Tỷ lệ nội địa hóa của DN lên đến trên 70% (đế giầy, vải thô, lót, một số phụ kiện trang trí, đinh tán). Tuy nhiên, một số vải đặc chủng như: vải dệt kẻ, vải in hoa... DN vẫn cần NK.
"Dù tỷ lệ nội địa hóa cao nhưng cũng như nhiều DN da giày khác, Công ty đang gặp khó khăn trong vấn đề nguyên liệu. Công ty chỉ đủ nguyên liệu sản xuất đến giữa tháng 3 và đang tìm kiếm các nhà cung cấp trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, Công ty cũng đàm phán với khách hàng đề nghị lùi đơn hàng hoặc thay đổi một số nguyên phụ liệu nhưng kết quả chưa rõ ràng", ông Tùng nói.
Cũng theo vị Tổng giám đốc này, điều DN rất lưu tâm là đối tác chuyên cung cấp khuôn mẫu cho DN là Công ty Trung Quốc tại Việt Nam vẫn chưa hoạt động trở lại do nhiều lao động từ Trung Quốc chưa trở lại Việt Nam. Vì vậy, DN không có khuôn mẫu để sản xuất. Nếu tình hình dịch kéo dài, DN sẽ đứng trước nguy cơ phải hủy đơn hàng, dừng sản xuất.
Đánh giá dịch bệnh Covid-19 "quá kinh khủng”, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cho hay: Các nhà máy sản xuất thuộc Vinachem dự trữ nguyên liệu hết quý I hoặc nửa quý II, NK từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc,... Nếu dịch bệnh kéo dài thêm nữa, không có nguyên liệu nhà máy sẽ phải dừng sản xuất. “Hiện giờ, chúng tôi không thể nói thiệt hại bao nhiêu vì nguyên liệu vẫn còn. Đầu tiên, chúng tôi dự báo hàng Trung Quốc không có thì đổi sang Hàn Quốc, Đài Loan, song hiện nay Hàn Quốc, Đài Loan cũng không trông chờ được nữa rồi. Cước vận chuyển từ thị trường xa khác về khiến giá đầu vào lớn, không cạnh tranh được", ông Cường nhấn mạnh.
Trầy trật tài chính, nhân lực
Bên cạnh vấn đề thiếu nguyên phụ liệu, nhiều DN còn đang chất chồng các nỗi lo khác.
Theo ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10: Dự kiến doanh thu 2 tháng đầu năm của DN sẽ giảm 10% so với kế hoạch và hiện DN chỉ tạm đủ hàng cho sản xuất hết tháng 3. DN đang đứng trước sức ép của khoản lãi vay ngắn hạn, trả nợ gốc; nỗi lo nhân công; nguy cơ khách hàng hủy đơn hàng do ảnh hưởng nguồn cung trong khi đối tác vẫn cần hàng...
"Đáng chú ý, khi dịch bùng phát, các cửa hàng của May 10 hay trung tâm thương mại đều sụt giảm lượng khách. Trong khi đó, giá thuê mặt bằng lại không giảm. May 10 dự báo 2 kịch bản. Kịch bản thứ nhất, nếu dịch kéo dài, DN có thể phá sản. Tuy nhiên, DN nghiêng về kịch bản thứ hai, nếu dịch kết thúc trong cuối tháng 3 và đầu tháng 4 thì doanh thu giảm khoảng 7%", ông Thân Đức Việt nói.
Xung quanh câu chuyện DN khốn đốn vì dịch Covid-19, ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho hay: 2 tháng đầu năm, các chỉ tiêu của TKV đều vượt kế hoạch khoảng 8%, nhưng phải khẳng định dịch Covid – 19 ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động của DN. "Thị trường than, khoáng sản phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc, NK than về rất khó. Đây là điều chúng tôi rất lo lắng. Bên cạnh đó, số lao động Trung Quốc tham gia dự án của ngành lớn, nhất là những dự án ở hầm lò với khoảng 500 lao động Trung Quốc. Do dịch bệnh chúng tôi đề nghị số lao động này chưa nên sang. Điều đó gây tác động rất lớn đến thực hiện các dự án đầu tư của ngành", ông Chuẩn nói.
Cũng than thở đối mặt khó khăn, ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) bày tỏ lo lắng khi giá dầu thô lao dốc do nhu cầu giảm. Các nghiên cứu của Tổ chức các nước XK dầu mỏ (OPEC) đánh giá nhu cầu dầu thô giảm mạnh. Ngành dầu khí khai thác 230.000-280.000 thùng/ngày. Giá dầu giảm 1 USD thì dầu khí bị tác động 1 USD/thùng, con số suy giảm là rất lớn.
Tăng lực phát triển công nghiệp hỗ trợ
Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) nhận định, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trong trường hợp phải tạm ngừng một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất do thiếu hụt nguồn nguyên phụ liệu và linh kiện đầu vào, các DN sẽ phải chịu rất nhiều chi phí phát sinh như các chi phí vốn vay ngân hàng, duy tu bảo trì máy móc trong quá trình tạm ngưng sản xuất, chi phí trả lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của pháp luật về lao động...
Ngoài ra, các DN còn đối mặt với khó khăn về thị trường tiêu thụ. Trung Quốc, cũng như một số quốc gia đang bùng phát dịch bệnh khác như: Hàn Quốc, Nhật Bản là thị trường tiêu thụ lớn đối với một số mặt hàng XK của Việt Nam, đặc biệt là các ngành hàng có kim ngạch XK lớn như: Dệt may, da giày – túi xách, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại di động và linh kiện...
Việc đánh giá tác động ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến các ngành sản xuất trong nước đã cho thấy rõ một trong những điểm yếu lớn nhất của kinh tế Việt Nam là nội lực của ngành sản xuất hạn chế, phụ thuộc rất lớn vào các chuỗi cung ứng nước ngoài; không tự chủ được về các yếu tố đầu vào của sản xuất dẫn đến tình trạng phụ thuộc phần lớn vào linh phụ kiện, nguyên vật liệu NK... Trong và sau thời gian dịch bệnh, các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất công nghiệp của Việt Nam chủ yếu tập trung vào các yếu tố: Bảo đảm nguồn cung nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào cho sản xuất trong nước; giải quyết các vướng mắc, khó khăn về lao động; tháo gỡ khó khăn về tài chính cho DN...
Về giải pháp dài hạn, ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp nhấn mạnh: Cần đầu tư nguồn lực từ ngân sách nhà nước Trung ương và địa phương tập trung phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ và một số ngành công nghiệp vật liệu cơ bản quan trọng như thép chế tạo, vải, vật liệu mới... để khắc phục sự phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện đầu vào NK, trong đó tập trung vào việc hỗ trợ nâng cao năng lực các DN thông qua các giải pháp hỗ trợ về tín dụng, nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường cũng như các ưu đãi về thuế và đất đai.
Theo Bộ Công Thương: Tháng 2/2020, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tính tăng 23,7% so với tháng trước (chủ yếu do tháng 1 năm nay trùng với kỳ nghỉ tết Nguyên đán nên số ngày làm việc ít hơn tháng 2). Nguồn: Báo Công thương |