Bạn đang ở đây

Tiếp tục "sát cánh" tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để doanh nghiệp phát triển

20/03/2020 08:23:02

19 tập đoàn, tổng công ty cơ bản hoàn thành mục tiêu

Ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch UBQLVNN cho biết, sau khi tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước đối với 19 tập đoàn, tổng công ty, UBQLVNN phải tiếp nhận, xử lý 259 công việc mà các bộ đang xử lý dở dang. Đây là các công việc phức tạp, có nhiều khó khăn, vướng mắc, tồn đọng qua nhiều thời kỳ, nhiều vụ việc liên quan đến thanh tra, kiểm tra, điều tra, nhiều việc tồn đọng do trước đây các bộ xử lý chậm trễ... “Do khối lượng công việc lớn, lại có nhiều vướng mắc, nguồn lực ban đầu có hạn, nên Ủy ban đã phân loại công việc theo mức độ cần thiết, cấp bách để ưu tiên xử lý nhằm sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn của DN. Đến nay đã giải quyết 201/259 công việc”- ông Nguyễn Hoàng Anh nêu cụ thể.

tiep tuc thao go kho khan vuong mac de doanh nghiep phat trien
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đã làm việc với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

Theo đó, UBQLVNN đã chỉ đạo, điều phối hoạt động của 19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành cơ bản các mục tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh đề ra, nhất là về doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, thu nhập của người lao động tăng lên, vốn Nhà nước được bảo toàn và phát triển. Cụ thể, doanh thu đạt gần 1,5 triệu tỷ đồng (tăng 6,4% so cùng kỳ), lợi nhuận tăng gần 100.000 tỷ đồng (tăng 17,6% so với kế hoạch), nộp ngân sách đạt trên 221.000 tỷ đồng (tăng 17,6% so với cùng kỳ).

Các tập đoàn, tổng công ty hoạt động trong những ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế như viễn thông, điện, than, xăng dầu, khí đốt, khai khoáng, hàng không, hàng hải, đường sắt, đường bộ, hóa chất cơ bản, kinh doanh lương thực, phân bón đã thể hiện được vai trò trong việc góp phần bảo đảm một số cân đối lớn của nền kinh tế; đóng góp lớn trong xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; là công cụ quan trọng để thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, đối phó với những biến động thị trường, kiềm chế lạm phát, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, UBQLVNN cũng đã tiếp nhận và thực hiện tốt nhiệm vụ cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo của Chính phủ về xử lý tồn tại, yếu kém của 12 dự án ngành Công Thương đã nghiên cứu và có những đề xuất giải pháp quyết liệt hơn, sát với thực tế hơn.

Với kết quả trên, UBQLVNN cũng đã báo cáo Thường trực Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn và đề xuất giải pháp, kiến nghị nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban như tình hình các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu; tình hình tổ chức và hoạt động của Ủy ban; việc chuyển giao quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Sát cánh giúp doanh nghiệp hạn chế ảnh hưởng từ COVID-19

Mặc dù đã đạt được một số kết quả bước đầu, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc mà UBQLVNN cần sớm khắc phục. Đó là, một số công việc xử lý còn chậm, trong đó có việc xem xét, quyết định theo thẩm quyền đối với đề nghị của tập đoàn, tổng công ty. “Các tồn tại, khó khăn vướng mắc nêu trên cần được Ủy ban và các bộ, ngành, cơ quan liên quan rà soát, rút kinh nghiệm tập trung, khắc phục để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của UBBQLVNN”, Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ.

Về một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu Ủy ban phải thực hiện đúng và đầy đủ quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu được giao theo quy định của pháp luật, các quyết nghị của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

UBBQLVNN cần sát cánh cùng các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp khả thi trình cấp có thẩm quyền để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu đề ra. Tập trung đánh giá khó khăn do tác động của động của dịch COVID-19 đối với hoạt động điều hành sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty. Đặc biệt là ngành hàng không, dầu khí, đường sắt... Trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp trực tuyến trong tháng 3”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Bên cạnh đó, hoàn thành kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước và niêm yết trên thị trường chứng khoán đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ cổ phân hóa các doanh nghiệp quy mô lớn như các Tập đoàn: Bưu chính viễn thông Việt Nam, Công nghiệp hóa chất, Công nghiệp than khoáng sản; các Tổng công ty: Lương thực miền Bắc, Tổng công ty Phát điện 1, Tổng công ty Phát điện 2.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Uỷ ban tập trung triển khai nhiệm vụ của Phó Trưởng ban Thường trực và cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo của Chính phủ về xử lý tồn tại, yếu kém 12 dự án của ngành Công Thương theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và chuẩn bị tốt các cuộc họp của Ban Chỉ đạo trong thời gian tới. “Phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan, chủ động tháo gỡ đối với 4 dự án gặp khó khăn, vướng mắc của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo cụ thể với Thủ tướng Chính phủ để có chỉ đạo, giải quyết”- Phó Thủ tướng nói.

Về các kiến nghị của UBQLVNN, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình giao Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tài nguyên & Môi trường căn cứ nhiệm vụ được giao, nghiên cứu, xem xét đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật 69/2014/QH13 để làm rõ thẩm quyền phê duyệt của cơ quan đại diện chủ sở hữu, tránh tình trạng nhiều cách hiểu không thống nhất trong quá trình thực hiện pháp luật; sửa đổi các chính sách liên quan tới hoạt động đầu tư, đất đai, quản lý tài sản công, tài sản doanh nghiệp Nhà nước để không gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực của Nhà nước.

Nguồn: báo Công thương