Bạn đang ở đây

Khơi thông đầu ra cho nông sản

17/03/2020 13:50:00

Khó khăn kép

Ông Trần Châu - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - cho hay, cuối tháng 3 tới, địa phương thu hoạch khoảng 48.000 tấn ớt, trong bối cảnh hiện nay chắc chắn việc tiêu thụ sẽ gặp khó khăn. Ngoài ra, dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều nước Liên minh châu Âu (EU) cũng khiến XK cá ngừ đại dương, tôm, đồ gỗ của tỉnh chịu tác động không nhỏ.

khoi thong dau ra cho nong san 134065
Tỉnh Bắc Giang đang nỗ lực tìm kiếm thị trường mới cho quả vải

"Trong khi tôm đã sơ chế còn tồn 150 tấn, nhưng chưa XK được thì cuối tháng 3 tới lại thu hoạch thêm 10.000 tấn, dự báo sẽ khó khăn trong tiêu thụ. Gỗ, thủy sản là hai mặt hàng mang lại kim ngạch XK lớn cho tỉnh với 500 triệu USD và 300 triệu USD, nhưng dịch Covid -19 đã tác động đến đầu ra các mặt hàng này" - ông Trần Châu cho biết thêm.

Vụ vải thiều năm nay tại Bắc Giang đợt chín sớm dự kiến đạt 6.000 ha, chiếm 21% diện tích, sản lượng khoảng 40.000 tấn, dự kiến cho thu hoạch từ ngày 20/5 – 15/6; vải chính vụ sản lượng đạt khoảng 120.000 tấn, thu hoạch từ ngày 15/6 - 20/7. Ông Dương Thanh Tùng - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang - cho biết, nếu dịch Covid-19 không lắng xuống, chắc chắn việc XK vải thiều sang thị trường chính là Trung Quốc sẽ gặp khó.

Ở góc độ DN, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nafoods Group - cho biết, không chỉ khó khăn về thị trường, tác động của dịch Covid-19 khiến tăng chi phí vận tải lên rất nhiều. "Một container vào Trung Quốc chi phí vận tải tăng gấp đôi, chi phí vận chuyển vào EU và Mỹ tăng 15%. Với tốc độ như thế này, với 5.000 container thì Nafoods mất thêm 1 triệu USD tiền chi phí vận chuyển" - ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.

ông Nguyễn Mạnh Hùng đề cập, trong khi các bộ, ngành kêu gọi DN chung tay phòng, chống dịch bệnh, thì lại có những DN cạnh tranh không lành mạnh bằng cách giảm giá bán tại thị trường XK, hay ép giá nông dân tại thị trường trong nước. Việc này ảnh hưởng đến hình ảnh trái cây Việt Nam tại nước nhập khẩu.

Tìm kiếm thị trường mới

Theo ông Dương Thanh Tùng, để giảm áp lực về thị trường vải, Bắc Giang đang tìm kiếm những thị trường mới và thúc đẩy tiêu thụ trong nước. Năm nay, vải thiều Bắc Giang sẽ chính thức được XK sang Nhật Bản. Hiện, tỉnh đã và đang phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) xây dựng mã số vùng trồng, hướng dẫn nông dân chăm sóc theo quy trình đáp ứng yêu cầu của Nhật Bản; mời gọi các DN lớn tham gia mở rộng thị trường XK.

"Để việc tiêu thụ vải thiều hiệu quả, tỉnh chỉ đạo các địa phương nâng cao chất lượng, hướng dẫn nông dân chăm sóc vải theo quy trình an toàn; chỉ đạo ngành Công Thương xúc tiến tiêu thụ trong nước, mở rộng kênh phân phối ở thị trường miền Trung, miền Nam để đề phòng trường hợp dịch Covid-19 có thể làm ảnh hưởng đến XK" - ông Dương Thanh Tùng cho biết thêm.

Ở góc độ DN, ông Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất, các bộ, ngành tiếp tục quan tâm trong việc xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường cho nhiều loại nông sản mới như: Sầu riêng, chanh leo, khoai lang…

Trước kiến nghị của các địa phương, DN, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Xuất nhập khẩu phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại và các vụ thị trường nước ngoài nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, đa dạng hóa các thị trường xuất nhập khẩu thông qua khai thác cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đồng thời đẩy mạnh phát triển chuỗi cung ứng tại thị trường nội địa.

Bộ Công Thương chỉ đạo các Thương vụ và Chi nhánh Thương vụ đánh giá nhu cầu tiêu thụ, dung lượng thị trường, khó khăn, vướng mắc trong việc XK hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường sở tại để có những giải pháp phù hợp.

Nguồn: Báo Công thương