Với gần 5.000 con gà sắp đến kỳ xuất chuồng, gia đình ông Lê Văn Hùng ở tổ 1, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình rất lo lắng nếu giá tiếp tục giảm. |
Hơn 1 tháng nay, người chăn nuôi gà như ngồi trên "đống lửa” vì giá gà liên tục giảm. Với gần 5.000 con gà thịt sắp đến kỳ xuất chuồng, những ngày này, gia đình ông Lê Văn Hùng ở tổ 1, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình lo lắng bởi giá gà trên thị trường giảm, khó khăn trong tiêu thụ.
Trước tết, gia đình ông bán 70.000 đồng/ kg thì nay giảm 20 giá, chỉ còn 50.000 đồng. Mặc dù vẫn còn gần tháng nữa mới đến kỳ xuất bán nhưng ông Hùng vẫn lo lắng vì với diễn biến của thị trường, nhất là tình hình dịch bệnh như hiện nay thì giá có thể xuống thấp nữa.
Ông chia sẻ: "Trại gà của gia đình nuôi hoàn toàn khép kín, nhiều năm qua không bị ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng giá cứ xuống thấp thế này thì cũng gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, mỗi ngày gia đình đầu tư trên 5 triệu đồng tiền cám, nếu đến kỳ xuất mà giá vẫn chỉ ở mức trên dưới 50.000 đồng thì sẽ lỗ và không bán thì cũng lỗ dẫn đến nguồn vốn cạn kiệt”.
Theo đánh giá, nguyên nhân khiến thị trường gà ảm đạm là do cung vượt cầu. Sau khi chịu ảnh hưởng bởi bệnh dịch tả lợn châu Phi, hầu hết các địa phương chưa khuyến khích người chăn nuôi tái đàn lợn, nên trong lúc chờ dịch đi qua, nhiều hộ chuyển đổi sang chăn nuôi gà, khiến đàn gà tăng đột biến.
Cùng đó, do ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm H5N6 và do những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp giảm mạnh, các trường học bán trú tạm nghỉ học khiến cung giảm sâu. Đáng nói là trong khi giá gà giảm, giá thức ăn chăn nuôi vẫn cao.
Hiện nay, loại thức ăn cho gà có giá thấp nhất cũng 250.000 đồng/bao 25 kg. Theo tính toán của người chăn nuôi, với giá gà và giá cám như hiện nay thì cứ 1.000 con gà đến khi xuất chuồng sẽ lỗ từ 7 - 10 triệu đồng.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, năm 2019, tổng đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh tăng mạnh với trên 5,2 triệu con, tăng 4,9%, tương đương trên 244.000 con so với năm 2018. Điều này khiến nguồn cung tăng mạnh, trong khi nhu cầu tiêu thụ lại giảm.
Hơn nữa, dù chăn nuôi gia cầm với số lượng lớn, nhưng phần lớn các chủ trang trại do bị ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi chuyển sang nuôi gia cầm, mà chủ yếu là nuôi gà, nên không có liên kết với các doanh nghiệp hình thành chuỗi khép kín, từ sản xuất đến tiêu thụ, đầu ra bấp bênh, phụ thuộc vào thương lái.
Vì vậy, để tránh rơi vào cảnh "được mùa mất giá”, người chăn nuôi nên căn cứ vào tín hiệu thị trường để tái đàn, không nên làm theo phong trào. Các địa phương cần thúc đẩy sản xuất gia cầm theo quy hoạch, không phát triển tràn lan. Theo đó, chú trọng chăn nuôi an toàn sinh học, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh.
Đặc biệt, các hộ chăn nuôi cần phát triển các chuỗi sản xuất khép kín, hướng đến các mô hình trang trại thay vì chăn nuôi nhỏ lẻ như hiện nay. Cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần rà soát lại số lượng tổng đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh.
Qua đó, sẽ có khuyến cáo người chăn nuôi khi tăng đàn cần phải xem xét, tính toán lại cẩn thận, điều tiết cho cân đối với cung cầu của thị trường. Đồng thời, sẽ đẩy mạnh xây dựng và chuyển giao các vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật của thị trường, để nâng cao giá trị cạnh tranh của sản phẩm.
Nguồn: Báo Yên Bái