Theo đánh giá của Công ty CP Chứng khoán SSI, về mặt kinh tế, Việt Nam trong những năm qua đã đẩy mạnh kết nối thương mại quốc tế, tổng giá trị xuất khẩu và nhập khẩu/GDP chiếm tỷ lệ cao (196,6%). Do đó, bất kỳ sự gián đoạn nào đến từ các nhà cung ứng quan trọng như Trung Quốc có thể sẽ là thách thức đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Trên thực tế, Việt Nam đã đóng cửa một số cửa khẩu đến Trung Quốc cho đến ngày 8/2/2020 - đồng nghĩa với việc hạn chế giao thương giữa Trung Quốc và Việt Nam ở một mức độ nhất định. Thêm vào đó, Việt Nam đã thực hiện hạn chế cấp thị thực đối với những khách đến từ các khu vực tại Trung Quốc chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi virus Corona. Như vậy, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp và một số ngành khác sẽ chịu ảnh hưởng bất lợi từ những sự kiện nêu trên, ít nhất là trong ngắn hạn.
Đối với ngành dệt may, theo các chuyên gia, dịch virus không có tác động trực tiếp đến nhu cầu các sản phẩm may mặc, vì hầu hết các công ty may mặc trong nước không xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, GDP Trung Quốc tăng trưởng chậm lại có thể gây tác động tiêu cực trong dài hạn lên tiêu dùng. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực do nhiều nhà máy dệt tại Trung Quốc đóng cửa trong tháng 1 và tháng 2. Hiện tại, Trung Quốc là thị trường cung cấp vải nguyên liệu lớn nhất cho Việt Nam.
Doanh nghiệp da giày đang tìm thị trường cung nguyên liệu mới để thay thế nguồn cung từ Trung Quốc |
Tương tự với ngành da giày, ông Nguyễn Chí Trung - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Gia Định - khẳng định: Tình hình dịch bệnh hiện tại ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp ngành da giày. “Trước Tết chúng tôi đã nhập đủ nguồn nguyên phụ liệu để sản xuất cho quý 1. Tuy nhiên đến các tháng sau đó chúng tôi chưa biết tình hình sẽ ra sao. Dịch bệnh có giải quyết được hay không, nếu không các doanh nghiệp sẽ rất khó khăn vì Trung Quốc là nước cung cấp rất nhiều nguồn nguyên phụ liệu cho các doanh nghiệp da giày của Việt Nam”, ông Trung lo lắng.
Theo ông Trung, để ứng phó với tình huống xấu nhất doanh nghiệp này đang tính đến phương án nhập nguyên phụ liệu từ các quốc gia khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Bangladesh… nhằm bù đắp nguồn nguyên liệu thiếu hụt cho sản xuất.
Là ngành đang chịu ảnh hưởng khá nặng nề bởi tình hình dịch bệnh do chủng mới của virus Corona gây ra vẫn còn diễn biến khó lường, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau củ quả Việt Nam - chia sẻ: Trước mắt, ngành nông sản chỉ còn cách đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khác, đồng thời khuyến khích tiêu thụ nội địa và tăng cường chế biến sâu.
Mặc dù vậy, ông Nguyên cũng tỏ ra băn khoăn bởi việc đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khác sẽ không đơn giản vì mỗi thị trường có một tiêu chuẩn khác nhau. “Chúng ta đang sản xuất để đáp ứng tiêu chuẩn nhập khẩu của Trung Quốc nhưng đem sản phẩm này qua các thị trường như châu Âu hay Mỹ thì lại không đáp ứng được tiêu chuẩn”, ông Nguyên cho hay.
Ngoài các ngành kể trên, theo các chuyên gia của SSI, thủy sản xuất khẩu trong năm nay cũng sẽ ảnh hưởng. Lý do, trong năm 2019, thị trường Trung Quốc chiếm 16,5% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, chiếm 16,1% xuất khẩu tôm và 33% xuất khẩu cá tra. Chính vì thế, ngay trong quý 1 của năm 202, giá trị xuất khẩu toàn ngành này được dự báo sẽ sụt giảm nhiều. Hiện tại các doanh nghiệp của ngành này cũng đang gấp rút chuyển hướng thị trường qua các nước Nam Phi, EU để tránh ảnh hưởng tới doanh thu, lợi nhuận đã đề ra.
Nguồn: báo Công thương