Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Đà Nẵng năm 2019 gặp nhiều khó khăn |
Xuất khẩu của thành phố chững lại
Theo báo cáo của Cục Thống kê Đà Nẵng, ước tính năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của thành phố ước đạt 2.988,4 triệu USD, tăng 0,94% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.623,1 triệu USD, tăng 1,68% so với năm 2018; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1.365,3 triệu USD, tăng 0,08% so với năm 2018.
Xét về mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu, đây là năm xuất khẩu Đà Nẵng có mức tăng trưởng thấp kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Theo ông Nguyễn Hà Bắc – Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng nguyên nhân của sự chững lại trong xuất khẩu của Đà Nẵng đó là các doanh nghiệp gặp khó khăn trong tìm kiếm đơn hàng và thị trường xuất khẩu; kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực của thành phố như dệt may, thủy sản, sắt thép, linh kiện điện tử….có xu hướng giảm do quy mô sản xuất bị thu hẹp, thị trường đầu vào khó khăn. “Xuất khẩu dệt may Đà Nẵng gặp khó khăn do thương chiến Mỹ Trung. Xuất khẩu thủy sản thì do nguồn cung tôm của các nước trên thế giới lớn nên doanh nghiệp bị cạnh tranh gay gắt. Thiết bị điện tử đa phần của các doanh nghiệp FDI thực hiện theo chuỗi cung ứng nên bị ảnh hưởng tiêu cực của thương chiến Mỹ Trung ảnh hưởng tới xuất khẩu nên giá trị công nghiệp giảm xuống”, ông Bắc cho hay.
Cán cân thương mại hàng hóa năm 2019 của TP Đà Nẵng vẫn có chuyển biến tích cực với xuất siêu 257,8 triệu USD, cao hơn năm 2017 (185 triệu USD), và 2018 (232 triệu USD); tuy nhiên, độ mở của nền kinh tế - được tính bằng giá trị kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu/GRDP chỉ đạt 63,96%, thấp nhất trong cả giai đoạn 2016 – 2019.
Ông Trần Văn Lĩnh – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản Thuận Phước cho biết, năm 2019 là một năm đầy khó khăn với hoạt động xuất khẩu thủy sản ở cả khâu đầu vào và đầu ra. Nguyên liệu đầu vào khó khăn, không ổn định, giá nguyên liệu tăng cao. Trong khi đó, chịu tác động tiêu cực của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, các đơn hàng của thủy sản Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng bị cạnh tranh về giá.
Bên cạnh đó, mặc dù đã có nhiều FTA được cho là có lợi cho các ngành như dệt may, giày da, thủy sản, tuy nhiên, số doanh nghiệp quan tâm và tận dụng được các lợi thế này còn rất ít. Các doanh nghiệp may mặc, giày da, thủy sản xuất khẩu của Đà Nẵng chủ yếu mới dùng ở gia công sản phẩm, chế biến thô, hàm lượng giá trị gia tăng thấp.
Đà Nẵng sẽ tăng cường các hội nghị, tập huấn để giúp doanh nghiệp nắm rõ và tận dụng được các ưu đãi, nhất là xuất xứ hàng hóa để giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh |
Tận dụng tốt các FTA để thúc đẩy xuất khẩu
Mặc dù các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của thành phố gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, nhờ một vài doanh nghiệp động lực của ngành chủ lực tận dụng tốt các FTA và những điểm sáng từ các lĩnh vực khác như cao su, đồ thực phẩm sức khỏe, nên kết thúc năm 2019, hoạt động xuất nhập khẩu Đà Nẵng vẫn cơ bản được đảm bảo.
Theo ông Lĩnh, nhờ tận dụng tốt các FTA và sự chủ động của doanh nghiệp liên tục nâng cao chất lượng sản phẩm, hàm lượng giá trị gia tăng, chế biến sâu đối với thủy sản nên trong năm 2019, tổng giá trị gia tăng của Công ty vẫn sẽ tăng được khoảng 30%. Dù vậy, ông Lĩnh cho rằng về lâu dài cần giải quyết tốt bài toán nguyên liệu đầu vào.
Mặt hàng cao su khép lại năm 2019 với những tín hiệu khả quan, không bị cạnh tranh bởi thị trường Trung Quốc nên có mức tăng trưởng ấn tượng 21%, đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Ngoài ra, một số mặt hàng xuất khẩu nhỏ như sản phẩm thực phẩm sức khỏe, thủ công mỹ nghệ có mức tăng trưởng tốt và ổn định cũng góp phần “kéo” cán cân xuất nhập khẩu nghiêng về xuất siêu.
Ông Nguyễn Xuân Sơn – Giám đốc Công ty Hương Quế Đà Nẵng cho biết, đơn vị kết thúc năm 2019 với tăng trưởng đạt khoảng 20% so với năm 2018, và đã có nhiều đơn hàng mới kéo dài cho đến hết quý II/2020, một số đơn hàng xuất khẩu sang các thị trường mới tiềm năng đang được doanh nghiệp đàm phán hiện đang có những bước tiến rất tích cực.
Năm 2020, TP. Đà Nẵng đặt mục tiêu xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng 7 - 8% so với năm 2019. Để đạt được mục tiêu này và thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng, ông Nguyễn Hà Bắc cho biết trong năm 2020, Sở sẽ tiếp tục tập trung tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho doanh nghiệp. Tiếp tục chủ động có các hội nghị, hội thảo để tăng cường sự quan tâm của doanh nghiệp đến các FTA. “Trên thực tế, số doanh nghiệp Đà Nẵng quan tâm và biết đến các FTA còn rất ít”, ông Bắc nói và cho biết thông qua sự quan tâm đó, các doanh nghiệp sẽ có thể tận dụng được các hiệp định thương mại như CPTPP, EVFTA. “Đặc biệt là tập huấn cho doanh nghiệp để sử dụng ưu đãi về xuất xứ hàng hóa để giảm giá thành và tăng cạnh tranh. Ngoài ra, sẽ phối hợp với ban ngành đẩy nhanh tiến độ hạ tầng công nghiệp, giải quyết các thủ tục nhanh để kịp thời tháo gỡ khó khăn về mặt bằng sản xuất cho doanh nghiệp xuất khẩu”, ông Bắc nói.
Nguồn: Báo Công thương