Bạn đang ở đây

Tăng xuất khẩu vào thị trường EU bằng thương mại điện tử

27/11/2019 09:07:14

Đây cũng là nhận định chung của các nhà quản lý, DN tại Hội thảo “Xuất khẩu Việt Nam trước thềm Hiệp định Thương mại Việt Nam - EU và xu hướng chuyển đổi số” diễn ra ngày 22/11 tại TP. Hồ Chí Minh.    

Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã chính thức được ký kết, mở ra cánh cửa mới và tạo động lực cho sự phát triển kinh tế Việt Nam nói chung và các DN xuất khẩu nói riêng. Bên cạnh đó, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số đang ngày càng trở nên phổ biến và được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các DN thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu.

tang xuat khau vao thi truong eu bang thuong mai dien tu

Hội thảo “Xuất khẩu Việt Nam trước thềm Hiệp định Thương mại Việt Nam - EU và xu hướng chuyển đổi số”

Bà Judy Ke – Chuyên gia đào tạo và tư vấn về thương mại quốc tế của Alibaba.com cho biết xu hướng chuyển đổi số đã có ảnh hưởng sâu rộng đến xuất nhập khẩu toàn cầu và đây thực sự là cơ hội cho DN xuất khẩu Việt Nam. Thực tế trên cho thấy sự chủ động và thay đổi tư duy của DN hết sức quan trọng. Có website, có fanpage của Amazon nhưng DN phải nghiên cứu, phải đặt câu hỏi, cách thức marketing, bán hàng... từ đó mới có thể cải thiện kỹ năng bán hàng qua TMĐT. Thông qua các nền tảng TMĐT, các DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa có thể xuất khẩu và tiếp cận được những đối tác mua hàng trên toàn cầu.

Bên cạnh đó, xu hướng tiêu dùng chính của thị trường EU nói chung và qua TMĐT nói riêng cũng cần được các DN chú trọng. Liên minh châu Âu đang cố gắng để đưa cả khu vực vào một thị trường số chung. Nhờ đó, trải nghiệm mua sắm TMĐT sẽ dễ dàng, thuận tiện hơn so với mua hàng qua các cửa hàng truyền thống, dù khách hàng ở quốc gia nào trong khối chăng nữa.

Ngoài ra, thu nhập bình quân đầu người tại Châu Âu gấp 6 lần Việt Nam, người tiêu dùng tại đây đang hướng tới mô hình cửa hàng giá rẻ và đồng giá, DN Việt Nam có thể đưa mặt hàng giá trung bình vào đây để tiếp thị. Tính tiện lợi, tự động hoá nhiều hơn, những thứ đơn giản, dễ dùng và tiện lợi mang đi... cũng là những yêu cầu mà người tiêu dùng EU ngày càng ưu tiên chọn lựa mua sắm.

Xu hướng tiêu dùng xanh cũng đang rất được người dân Châu Âu quan tâm, vì thế các DN Việt cần tìm nguồn hàng có nguồn gốc thiên nhiên, hữu cơ để đưa vào các thị trường này.

Đặc biệt, khi đã chọn cách thức bán hàng TMĐT, một nguyên tắc mà DN không thể bỏ qua là phân công người để làm việc liên tục, không chỉ vào múi giờ của quốc gia mình. Có vậy mới không bỏ lỡ những đơn hàng đến từ khách tại các quốc gia khác. Nếu DN không nhanh chân sẽ bị bỏ lại sau sân chơi rộng lớn này- bà Judy Ke nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, với sự phát triển của hạ tầng và chuỗi cung ứng, xu hướng hiện nay là giao thương quốc tế xuất hiện nhiều giao dịch nhỏ, nên không nhất thiết phải tập trung sản xuất sản phẩm có nhu cầu lớn để có sản lượng xuất khẩu lớn mà hãy tập trung độc đáo hóa sản phẩm để nâng cao giá trị sản phẩm - ông Huỳnh Thái Hòa - Giám đốc Kinh doanh của Công ty Đầu tư và Công nghệ OSB chia sẻ.

Ngoài ra, các DN đẩy mạnh xuất khẩu trực tuyến vào thị trường EU nói riêng và thị trường toàn cầu nói chung nên đầu tư vào đào tạo nhân sự có kiến thức kỹ năng về vận hành website, gian hàng trực tuyến mới có thể khai thác những ưu việt, thế mạnh của TMĐT so với phương thức truyền thống. DN sử dụng TMĐT để kinh doanh có thể sử dụng bán hàng đa kênh, thuê các dịch vụ để quản lý hàng tồn kho, quản lý đơn hàng. Trước đây, nếu DN muốn sử dụng dịch vụ vận chuyển thường dùng các dịch vụ thủ công. Hiện nay, các mô hình bán hàng đa kênh như vậy cho phép kết nối các đơn vị vận chuyển, DN có thể sử dụng trọn gói quy trình xử lý đơn hàng của mình trên hệ thống và có thể giảm một nửa nhân sự...

Nguồn: báo Công thương