Theo Hiệp hội Bia - rượu và nước giải khát, thị trường Việt Nam tiêu thụ hơn 4,67 tỷ lít bia các loại trong năm 2018, mức tăng trưởng đạt 7% so với cùng kỳ. Dự báo đến năm 2020, sản lượng bia toàn ngành vẫn giữ ở mức 4 - 4,25 tỷ lít/năm, đến năm 2035 sản lượng sản xuất đạt khoảng 5,5 tỷ lít bia.
Từ số liệu trên cho thấy, thị trường bia của Việt Nam đang phát triển rất nhanh và sự cạnh tranh để nắm giữ thị phần là cuộc chiến không khoan nhượng giữa các nhà sản xuất. Theo các tổng đại lý kinh doanh mặt hàng bia trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, mùa kinh doanh cuối năm của ngành bia đã bắt đầu khởi động, so với mọi năm vào thời điểm này sức tiêu thụ bia chậm và đang dự báo một mùa kinh doanh khó khăn.
Theo một chủ đại lý kinh doanh bia ở khu vực phường 13, quận Tân Bình, thị trường bia Việt Nam hiện có hàng trăm nhãn hiệu, các nhãn hàng cao cấp tiêu thụ rất chậm, chỉ có phân khúc bình dân là còn giữ được mức bán ra tương đối ổn định.
Bà Bùi Thị Tuyết, chủ đại lý bia ở phường Tân Quý, quận Tân Phú cho biết, thời điểm này sức tiêu thụ bia giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó các dòng bia cao cấp như bia Mỹ, Đức, Bỉ, bia sản xuất trong nước như Heineken, Tiger bán rất chậm. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Dung, chủ đại lý bia ở huyện Hóc Môn cho hay, các dòng sản phẩm cao cấp tiêu thụ được rất ít nhưng các loại bình dân như bia Sài Gòn, bia Larue... lại có mức tăng khá từ đầu năm 2019 đến nay. Theo bà Dung, dòng bia bình dân tiêu thụ khá ở khu vực ngoại thành do giá rẻ, chất lượng ổn định và phù hợp với số đông người có thu nhập thấp, dân lao động.
Hiện tại, mặt hàng bia ở hệ thống phân phối hiện đại trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đang ở mức thấp so với năm ngoái. Ảnh Thế Vĩnh |
Theo đại diện một số siêu thị trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, nhiều đơn hàng tiêu thụ mặt hàng bia từ nay đến hết năm 2019 đã được thực hiện, sản lượng hàng mua vào hiện tại chỉ bằng năm ngoái và sẽ tăng giảm phụ thuộc vào thị trường vào thời cao điểm. Theo đại diện của một siêu thị ở quận 10, sức tiêu thụ bia tại hệ thống siêu thị nhìn chung ngày càng giảm so với trước, nguyên nhân là hệ thống trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi phát triển nhanh và nhiều cửa hàng tạp hóa cũng chọn mặt hàng bia để kinh doanh, nhất là dịp cuối năm.
Đối với thị trường nước giải khát, sự phát triển và cường độ cạnh tranh giữa các hãng, cơ sở sản xuất ngày càng gia tăng. Theo thống kê của Hiệp hội Bia - rượu - nước giải khát Việt Nam, cả nước hiện có hơn 1.800 cơ sở sản xuất nước giải khát, hàng năm mức tăng trưởng đạt 6-7%, trong đó nước giải khát có ga (nước ngọt) chiếm 23,74% thị phần, nước giải khát dưới dạng trà chiếm 36,97%; nước tăng lực chiếm 18,28%, nước ép hoa quả 10,91%, nước khoáng là 5,45%.
Theo giới kinh doanh, thị trường nước giải khát của Việt Nam đang có xu hướng phát triển mạnh các dòng sản phẩm vừa giải khát vừa có yếu tố bồi bổ sức khỏe như nước tăng lực, sản phẩm nước uống chứa vitamin, nước uống chiết xuất từ hoa quả, ngũ cốc, trà, sâm…Từ nhu cầu của người tiêu dùng, nhiều dòng sản phẩm mới nước giải khát mới đã ra đời và cạnh tranh nhau rất quyết liệt. Chẳng hạn, từ đầu năm đến nay, Tân Hiệp Phát cung cấp thêm cho thị trường nước tăng lực Number 1 Cola; hãng PepsiCo Việt Nam cung cấp cho thị trường nước uống vị sữa chua, nước uống chứa chiết xuất cam thật; Công ty TNHH nước giải khát Lai Phú chào hàng nước giải khát sản xuất từ nguyên liệu nha đam, trái cây, nước yến. Chưa hết, không ít các cơ sở sản xuất nhỏ, hộ gia đình sản xuất các loại nước uống đóng chai bằng nguyên liệu tự nhiên như hoa củ quả, dược liệu… phục vụ cho nhu cầu giải nhiệt, bồi dưỡng sức khỏe theo kinh nghiệm dân gian cũng sẽ tham gia thị trường với số lượng không nhỏ.
Theo dự báo của một số đại lý kinh doanh bia, nước giải khát ở khu vực TP. Hồ Chí Minh, nhu cầu tiêu thụ mặt hàng bia, nước giải khát vào dịp cuối năm nay sẽ không cao hơn năm ngoái, giá cả ổn định nhưng nguồn cung sẽ tăng. Khi nguồn cung dồi dào, người tiêu dùng sẽ có thêm sự lựa chọn, riêng các đại lý bán buôn, người bán lẻ sẽ có thêm hoa hồng chiết khấu từ nhà sản xuất.
Nguồn: Báo Công thương