Bạn đang ở đây

Xác định trị giá hải quan hàng hóa xuất nhập khẩu: Đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm của hải quan và doanh nghiệp

31/10/2019 09:15:33

Xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) là một vấn đề DN phản ảnh vẫn gặp rất nhiều khúc mắc khi làm thủ tục hải quan. Bà Nguyễn Thị An Giang - Trưởng Phòng thuế XNK, Cục Thuế XNK, Tổng cục Hải quan - cho biết tại cuộc Tập huấn về những điểm mới của Thông tư 60/2019/TT-BTC (có hiệu lực ngày 15/10/2019) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2015/TT-BTC qui định về trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), phối hợp với Tổng cục Hải quan tổ chức ở Hà Nội ngày 29/10/2019: Đây là một việc làm khó không chỉ đối với DN, mà cả với cơ quan hải quan.

xac dinh tri gia hai quan hang hoa xuat nhap khau dam bao quyen loi va trach nhiem cua hai quan va doanh nghiep

Thông tư 60 được Bộ Tài chính ban hành nhằm giải quyết những khúc mắc của DN khi thực hiện một số qui định tại Thông tư 39. Ông Nguyễn Bắc Hà - Trưởng ban Hội viên Đào tạo VCCI, cho biết: Đây là nội dung được nhiều DN XNK trên cả nước rất quan tâm. Đến nay, một số DN XNK vẫn còn lúng túng, chưa nắm bắt kịp những hướng dẫn, qui định mới về tính trị giá hải quan đối với hàng hóa XNK. Theo qui định tại Thông tư 60/2019/TT-BTC, kể từ ngày 15/10/2019, việc xác định trị giá hải quan tính thuế về nguyên tắc và phương pháp không khác so với Thông tư 39. Tuy nhiên, Thông tư 60 sẽ qui định chi tiết hơn cách thức xác định; bổ sung một số nội dung về khái niệm hàng hóa giống hệt, tương tự, giá bán của hàng hóa XNK do hải quan thu thập, tổng hợp, phân loại… để đảm bảo tính thống nhất.

Ngoài ra, Thông tư 60 còn có 5 sửa đổi quan trọng so với Thông tư 39, đó là:

Qui định về xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa là máy móc, thiết bị có chứa phần mềm điều khiển vận hành khi nhập khẩu; qui định về chứng minh mối quan hệ đặc biệt có hay không ảnh hưởng đến giá mua bán trong giao dịch mua bán hàng hóa nhập khẩu; qui định về phí bản quyền, phí giấy phép; qui định về phương pháp suy luận; qui định về xác định trị giá đối với một số hàng hóa XNK đặc thù.

Đồng thời, Thông tư 60 hướng dẫn cụ thể về thời điểm, chứng từ, quyền và nghĩa vụ của người khai hải quan cũng như cơ quan hải quan trong việc xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa...

xac dinh tri gia hai quan hang hoa xuat nhap khau dam bao quyen loi va trach nhiem cua hai quan va doanh nghiep
Giải quyết thủ tục hải quan (Ảnh minh họa)

Làm rõ hơn những nội dung liên quan đến xác định trị giá hải quan, bà Nguyễn Thị An Giang cho biết: DN làm thủ tục hải quan gặp vướng nhiều về tham vấn trị giá hải quan. Nguyên nhân do hệ thống các văn bản pháp luật dày đặc, trong khi người làm thủ tục hải quan đa số không hiểu biết do không chịu đọc, không chịu tìm hiểu pháp luật. Bà Giang khuyến nghị, các DN trước khi làm thủ tục hải quan cần đọc, xem, tìm hiểu kỹ các qui định về xác định trị giá hải quan. Bởi công chức hải quan cũng không thể có đủ thời gian để hướng dẫn hết cho các DN một cách thường xuyên.

Theo bà Giang, vướng mắc của DN về tính trị giá hải quan chủ yếu liên quan đến nhận thức, hiểu biết và thao tác. Bởi các phương pháp xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa XNK được áp dụng rất ổn định, không thay đổi. Đối với hàng hóa nhập khẩu, có 6 phương pháp xác định là: Xác định trị giá hải quan theo giá giao dịch của hàng nhập khẩu; xác định theo trị giá giao dịch của hàng nhập khẩu giống hệt; xác định trị giá theo giá giao dịch của hàng hóa tương tự; xác định trị giá hải quan theo trị giá khấu trừ; xác định theo trị giá ghi toán; xác định theo phương pháp suy luận. Đối với hàng xuất khẩu cũng sử dụng 4/6 phương pháp xác định như hàng nhập khẩu, nhưng ngược lại về dòng tiền.

Về cơ bản, Thông tư 60 đưa ra cách thức thực hiện, sử dụng thông tin, dữ liệu… cụ thể hơn, để xác định thuận lợi hơn cho cả hải quan lẫn DN. Đối với DN, bà Giang khuyến nghị, chỉ có thể sử dụng tốt 2 phương pháp tính trị giá hải quan hàng nhập khẩu, đó là tính theo giá giao dịch, do DN là chủ hàng nên mới biết được các chi tiết ngọn ngành của hàng hóa đó giao dịch ra sao; và sử dụng phương pháp xác định trị giá hải quan theo giá giao dịch hàng hóa giống hệt, tương tự. Còn lại các phương pháp khác hải quan mới có điều kiện xác định chính xác hơn, do hải quan có nhiều cơ sở thông tin, dữ liệu thu thập được, DN không thể có những yếu tố cần thiết này.

Nguồn: Báo Công thương