Báo động rác thải nhựa
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam hiện ở mức rất cao, chiếm khoảng 8-12% trong chất thải rắn sinh hoạt, xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm. Tính riêng các loại túi nilon, ước tính mỗi năm Việt Nam sử dụng và thải bỏ khoảng hơn 30 tỷ túi/năm. Ở các đô thị, lượng túi nilon được tiêu thụ trung bình khoảng 10,48 - 52,4 tấn/ngày, riêng tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, mỗi ngày có khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon thải ra môi trường. Trong số này, chỉ khoảng 17% số túi nilon được thường xuyên tái sử dụng, số còn lại đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần. Nếu tính chỉ số sản phẩm nhựa trên đầu người, đến nay là trên 41 kg/người/năm, trong khi chỉ số này năm 1990 là 3,8 kg/người/năm.
Ông Phạm Trọng Thực - Cục phó Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp phát biểu tại hội thảo |
Ông Nguyễn Duy Thái - Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam - cho rằng, hiện nay ngành công nghiệp môi trường (CNMT) đã và đang thu hút được sự quan tâm, đầu tư phát triển của xã hội. Việt Nam, với dân số hơn 96 triệu người, hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt hàng ngày đang tạo ra một khối lượng lớn chất thải rắn, nước thải và khí thải đòi hỏi ngành CNMT phải xử lý đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Theo đó, lượng nhựa tiêu thụ bình quân toàn ngành Công Thương có xu hướng ngày càng tăng để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh, các cơ sở tái chế và xử lý rác thải nhựa còn thiếu, công nghệ lạc hậu, phân loại rác tại nguồn chưa hiệu quả. “Trong khi, chính sách quản lý phế liệu nhựa nhập khẩu; nhựa dùng một lần, nhựa khó phân hủy còn bất cập, cụ thể chưa xác định được nhu cầu sử dụng nhựa được tái chế từ phế liệu… Sản phẩm thay thế nhựa dùng một lần, nhựa khó phân hủy còn ít, khó tìm, giá cao”- ông Nguyễn Duy Thái chỉ ra.
Ngành Công Thương chung tay chống rác thải nhựa
Trước thực tế trên, ông Phạm Trọng Thực - Cục phó Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp - cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 15/7/2019, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-BCT về việc tăng cường các biện pháp giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Công Thương. Theo Chỉ thị, Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ và các sở công thương triển khai các giải pháp giảm thiểu chất thải nhựa. Cụ thể, đối với các đơn vị thuộc Bộ, các tập đoàn, tổng công ty doanh nghiệp của ngành, Bộ yêu cầu thủ trưởng các đơn vị này có trách nhiệm phổ biến thông tin, vận động cán bộ công nhân viên chức, người lao động tham gia hưởng ứng phong trào “chống rác thải nhựa”. Đồng thời nghiên cứu, triển khai các sáng kiến giảm thiểu sử dụng túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần, tăng cường tái chế, tái sử dụng trong đơn vị.
Sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế rác thải nhựa |
Đại diện Vụ Thị trường trong nước cho biết, Vụ đang triển khai xây dựng văn bản quy định, hướng dẫn việc kiểm soát, hạn chế chất thải nhựa phát sinh từ hoạt động tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại. Cụ thể, đánh giá hiện trạng sử dụng, phát thải túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; Xây dựng kế hoạch thực hiện mục tiêu đến năm 2021 các cửa hàng, chợ, siêu thị ở các đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần; đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần. Bên cạnh đó, lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, phổ biến thông tin về tác hại của việc sử dụng túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần tại các siêu thị, trung tâm thương mại, khuyến khích sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường trong các chương trình đang triển khai thực hiện.
“Để thực hiện những nội dung trên cần có sự vào cuộc tích cực từ ba phía, bao gồm doanh nghiệp, người dân và chính quyền. Đối với các doanh nghiệp, cần có lộ trình giảm thiểu việc sản xuất túi nhựa sử dụng hằng ngày hoặc chuyển đổi sang sản xuất các sản phẩm tái chế. Đối với người dân, cần thay đổi hành vi sử dụng như chuyển đổi thói quen khi đi chợ có thể sử dụng túi đựng nhiều lần, sử dụng túi dễ phân hủy. Về phía chính quyền, cần tăng cường kiểm tra các hoạt động tái chế, kiểm soát việc sử dụng túi nylon tại các trung tâm thương mại, siêu thị, đặc biệt là chợ truyền thống”- đại diện Vụ Thị trường trong nước khẳng định.
Sản phẩm thân thiện với môi trường đã được sự dụng phổ biến tại các trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng... |
Đơn cử như Sở Công Thương Hà Nội là một trong những đơn vị đang triển khai tốt chương trình giảm thiểu chất thải nhựa, tạo hiệu ứng lan tỏa. Đại diện lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội thông tin, hiện một số đơn vị phân phối như: Vinmart, BigC, MM Mega Market, Lotte, Co.opMart, Minh Hoa… đã chuyển sang sử dụng túi cuộn tự hủy, túi ni lông tự hủy sinh học thay thế túi ni lông sử dụng một lần; sử dụng các khay, hộp, đĩa và một số vật dụng dùng trong sơ chế, chế biến thực phẩm được làm từ bột ngô, bã mía, sơ dừa... để thay thế một phần các vật dụng có nguồn gốc từ nhựa; hạn chế dần việc bán các sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Đáng nói, nhiều đơn vị đã sử dụng phương pháp bao gói rau, củ, quả bằng các vật liệu có nguồn gốc tự nhiên từ lá chuối, lá dong, lạt tre nứa, túi giấy thay cho túi nilon; đồng thời, ngừng kinh doanh sản phẩm ống hút bằng nhựa, thay thế bằng các loại ống hút được sản xuất từ tre, cỏ, bột ... đã được tuyên truyền, phổ biến và nhân rộng.
Ngoài ra, Sở Công Thương Hài Nội tiếp tục xây dựng, đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm, bao gói, túi xách thân thiện với môi trường; đẩy mạnh phát triển hạ tầng, dịch vụ thu gom, tái chế chất thải nhựa khó phân hủy sử dụng một lần và túi nilon khó phân hủy; nghiên cứu cơ chế chuyển giao công nghệ tiên tiến tái chế chất thải nhựa khó phân hủy để tích cực giảm thiểu chất thải nhựa hiệu quả nhất.
Nguồn: báo Công thương