Bạn đang ở đây

Di cư lao động an toàn, có trật tự, hợp thức

30/10/2019 14:45:11

Việt Nam gần đây ghi nhận số lượng người dân ra nước ngoài làm việc gia tăng. Riêng trong năm 2019 đã có hơn 142.000 người lao động xuất cảnh, trong đó có khoảng 50.000 người là nữ đi làm việc theo hợp đồng. Theo ước tính, người lao động di cư gửi về nhà khoảng 2,5-3 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, ngày càng gia tăng đối với luồng di cư không hợp thức sang các nước trong khu vực và châu Âu.

di cu lao dong an toan co trat tu hop thuc
Số lượng người dân Việt Nam ra nước ngoài làm việc gia tăng. Ảnh Internet

Di cư lao động không hợp thức đề cập tới hiện tượng người dân di chuyển ngoài khuôn khổ pháp luật, quy định hoặc các hiệp định quốc tế liên quan tới việc nhập cảnh và xuất cảnh từ quốc gia xuất phát, quốc gia trung chuyển hoặc quốc gia điểm đến. Theo người đứng đầu ILO Việt Nam: “Di cư lao động không qua các kênh hợp thức khiến người lao động di cư có nguy cơ bị bóc lột lao động, hạn chế khả năng tiếp cận hỗ trợ và công lý khi ở nước ngoài”.

Một nghiên cứu gần đây của ILO và Tổ chức di cư quốc tế cho thấy, người lao động Việt Nam đã phải trả chi phí cao nhất so với một số nước trong khu vực để đi làm việc ở nước ngoài. Lao động cũng phải vay mượn khoản tiền lớn nhất và làm việc trong khoảng thời gian lâu nhất, lên đến 11 tháng để có thể chi trả khoản nợ này. Hơn 3/4 lao động Việt Nam được phỏng vấn trả lời rằng họ bị vi phạm quyền lao động khi làm việc ở nước ngoài.

Trước thực tế này, ILO kêu gọi các chính phủ tăng cường nỗ lực để hỗ trợ người lao động di cư thông qua các biện pháp như: Thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia phái cử, trung chuyển và tiếp nhận để tăng cường và đảm bảo những lựa chọn di cư hợp thức, đặc biệt là đối với lao động nữ, nhằm đảm bảo nhu cầu về việc làm thỏa đáng; phát triển các kênh di cư hợp thức ít tốn kém tiền của, thời gian và ít phức tạp hơn; mở rộng tiếp cận pháp lý cho người lao động di cư, đặc biệc là lao động nữ vốn thường gặp nhiều khó khăn hơn nam giới, tại quê hương và ở nước ngoài; đào tạo kỹ năng nghề phù hợp với yêu cầu của người sử dụng lao động mà không tạo thêm gánh nặng về thời gian và tài chính đối với người lao động di cư. Điều này có lợi cho cả người sử dụng lao động và người di cư, góp phần tăng năng suất lao động, cải thiện tiền lương và điều kiện làm việc...

Theo ILO, việc Chính phủ Việt Nam đang xem xét sửa đổi pháp luật liên quan đến quản trị lao động di cư ra nước ngoài chính là cơ hội quan trọng để cải thiện khung pháp lý về di cư lao động và giúp các kênh di cư hợp thức trở nên hấp dẫn hơn đối với người dân.

“Trên nguyên tắc hợp tác, di cư lao động có thể là động lực phát triển tích cực và giảm thiểu những nguy cơ ảnh hưởng tới an toàn của người lao động di cư” - Giám đốc ILO Việt Nam ông Chang-Hee Lee cho biết. Đồng thời ông cũng nhấn mạnh: “Khi quyền của lao động di cư được tôn trọng, và hành trình di cư của họ được an toàn, bản thân họ, gia đình và cả xã hội có thể được hưởng lợi từ nguồn kiều hối gửi về cũng như nâng cao được kỹ năng tay nghề.”

Nguồn: báo Công thương