Gỗ Trung Quốc “đội lốt” Việt Nam
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, thương chiến Mỹ - Trung đang ngày càng căng thảng, mới đây, trong một động thái trả đũa Mỹ đã nâng mức thuế từ 20 - 25% đối với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản nhập khẩu từ Trung Quốc.
Theo thông tin từ Hải quan và Biên phòng Mỹ, các cơ quan chức năng sẽ chính thức điều tra đối với hoạt động giao dịch nhập khẩu của một số nhà nhập khẩu gỗ dán Trung Quốc.
Cụ thể, Hải quan và Biên phòng Mỹ đang điều tra xem các công ty nhập khẩu có vi phạm lệnh áp thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng của Mỹ đối với sản phẩm gỗ dán từ gỗ cứng Trung Quốc.
Trước sự leo thang trong cuộc thương chiến Mỹ Trung, các chuyên gia đánh giá, tác động tích cực là ngành chế biến, xuất khẩu gỗ của Việt Nam có thể đón nhận sự hợp tác của các doanh nghiệp Mỹ.
Ngành gỗ Việt xuất khẩu đứng trước nguy cơ phải chịu các hình thức trừng phạt của Mỹ |
Ông Nguyễn Vinh Quang, chuyên gia của tổ chức Forest Trends cho biết, việc các Mỹ đánh thuế mặt hàng đồ gỗ của Trung Quốc mang lại rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam.
“Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam, khi mức thuế mới sẽ khiến các nhà nhập khẩu của Mỹ hạn chế nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ Trung Quốc. Để tránh rủi ro, các nhà nhập khẩu Mỹ sẽ phải tìm đến nguồn hàng từ các nước khác, trong đó có Việt Nam.” Ông Quang đánh giá.
Ngoài ra, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) thông tin thêm, kể từ cuối năm 2018, ngành chế biến gỗ đón nhận một làn sóng khách hàng Mỹ tìm đến doanh nghiệp Việt ngày càng tăng.
Tuy nhiên, cuộc chiến này có thể dẫn tới sự dịch chuyển trong đầu tư vào ngành chế biến gỗ của Việt Nam từ các doanh nghiệp đến từ Trung Quốc và có thể dẫn đến những tác động tiêu cực đối với ngành gỗ của Việt Nam (đã xảy ra với ngành thép).
“Hiện nay, đã có dấu hiệu cho thấy tình trạng gian lận thương mại, lẩn tránh thuế của các công ty Trung Quốc. Thủ đoạn được các công ty Trung Quốc sử dụng là dùng Việt Nam làm nơi trung chuyển để né thuế xuất khẩu đồ gỗ sang Mỹ.” Đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho hay.
Mới đây, Hải quan Mỹ đã phát hiện Công ty FINEWOOD Việt Nam có hành vi nhập khẩu gỗ dán từ Trung Quốc, sau đó, đưa về nhà xưởng thay đổi nhãn mác xuất xứ Việt Nam và xuất khẩu sang Mỹ.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp này có hành vi làm giả C/O do Việt Nam cấp nhưng thực tế hàng hóa không được nhập khẩu vào Việt Nam hoặc hàng hóa đã xuất khẩu ra khỏi lãnh thổ Việt Nam (làm giả C/O từ bên ngoài lãnh thổ Việt Nam).
Gần đây, Bộ Công Thương cũng phân loại hàng xuất khẩu theo bốn mức độ cảnh báo, trong đó, mặt hàng gỗ dán đang đứng ở mức độ 4 thuộc nhóm có nguy cơ bị xử lý gian lận xuất xứ.
Ngành gỗ Việt xuất khẩu đã nhận “cảnh báo đỏ”
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, tình trạng một số doanh nghiệp gian lận về xuất xứ hàng hóa, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất gỗ dán của Việt Nam. Việc các công ty Trung Quốc lấy Việt Nam làm điểm “trung chuyển” khiến kim ngạch xuất khẩu tăng đột biến gây sự nghi ngờ cho các đối tác quốc tế, đặc biệt là Mỹ.
“Xuất khẩu gỗ dán sang Mỹ có mức tăng trưởng đột biến, tăng 270% trong năm 2018 (so với mức 51,4 triệu USD trong năm 2017). Trong 3 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu mặt hàng này đạt 46,7 triệu USD, tăng 95% so với cùng kỳ.” Bộ Công Thương lấy dẫn chứng.
Mới đây, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương đã đưa ra danh sách 13 sản phẩm có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại hoặc điều tra chống lẩn tránh thuế của các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu và Canada. Trong đó, gỗ dán bị cảnh báo mức độ 4 là mức độ cao nhất.
Kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam tăng đột biến khiến các đối tác quốc tế nghi ngờ |
Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho hay, ván dán đang là mặt hàng bị nghi ngờ có hành vi gian lận thương mại khi xuất khẩu sang Mỹ, bởi con số xuất khẩu ván dán của Việt Nam sang Mỹ tăng một cách đột biến.
“Các doanh nghiệp ngành gỗ phải hết sức thận trọng trước những thách thức trên. Cần thực hiện các chính sách cho đúng, kiểm soát chặt chẽ việc cấp giấy, tránh việc gian lận thương mại. Đồng thời, kịp thời phát hiện và thông báo đến cơ quan quản lý nhà nước để xử lý các hành vi gian lận thương mại.” Ông Quyền chia sẻ.
Ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết thêm, nếu không sớm giải quyết triệt để tình trạng gỗ Trung Quốc “đội lốt” Việt Nam, ngành gỗ và cả nền kinh tế sẽ phải chịu thiệt hại nặng nề do nhận lệnh trừng phạt của Mỹ.
“Điều này sẽ rất nguy hiểm, gây tổn hại lớn đến ngành gỗ nếu chính quyền Mỹ đánh giá việc gian lận xuất xứ hàng hóa của Việt Nam là nghiêm trọng và từ đó có những chính sách trừng phạt ngành gỗ của Việt Nam tương tự như ngành thép trong thời gian qua.” ông Trị nói.
Mới đây, Cơ quan Thương mại Mỹ ra thông báo điều tra 5 công ty của Mỹ nhập khẩu ván ép từ Việt Nam. Đây là động thái của Mỹ khi họ nghi ngờ các công ty này nhập khẩu ván được sản xuất từ Trung Quốc, dán mác Việt Nam để xuất đi Mỹ.
Bên cạnh đó, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương và Viforest đã có khuyến cáo cho các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam phải tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ.
Nguồn: Báo Công thương