Bạn đang ở đây

Mỹ và Nhật Bản đã chính thức ký thỏa thuận thương mại có phạm vi hạn chế “giai đoạn một”

01/10/2019 10:41:19

Thỏa thuận thương mại Mỹ - Nhật có phạm vi hạn chế được gọi là “giai đoạn một” sẽ mở cửa thị trường Nhật Bản cho hàng nông sản Mỹ và tạo đòn bẩy giúp Mỹ hoàn tất các hiệp định thương mại với Trung Quốc, Canada, Mexico và các nước khác.

Thỏa thuận sẽ giảm các rào cản của Nhật Bản đối với thịt bò, thịt lợn, lúa mì, phô mai, hạnh nhân, rượu vang và các sản phẩm khác của Mỹ, đồng thời cắt giảm thuế quan của Mỹ đối với tuabin Nhật Bản, máy công cụ, xe đạp, trà xanh, hoa và các hàng hóa khác. Hai nước cũng đã đạt được thỏa thuận về thương mại kỹ thuật số mà họ hy vọng sẽ đóng vai trò là hình mẫu cho các cuộc đàm phán với các quốc gia khác.

Tại cuộc họp báo hôm 25/9, Tổng thống Trump cho biết, Nhật Bản sẽ mở cửa thị trường tới 7 tỷ USD hàng hóa nông sản Mỹ, gọi hiệp định này là một chiến thắng to lớn của người nông dân và người trồng trọt Mỹ. Lời văn của thỏa thuận không có sự đảm bảo rõ ràng rằng ông Trump sẽ không áp dụng thuế đối với hàng nhập khẩu ô tô Nhật Bản theo Mục 232 của Đạo luật Mở rộng Thương mại, như đã từng đe dọa. Chính quyền ông Trump đã chống lại những nỗ lực của Nhật Bản để có được sự trấn an về vấn đề thuế ô tô như một phần của các cuộc đàm phán, gây ra sự rạn nứt khiến cho việc hoàn tất thỏa thuận thương mại bị nghi ngờ và có nguy cơ bị trì hoãn.

Cả hai nhà lãnh đạo Mỹ - Nhật đều không đề cập đến ngành công nghiệp ô tô trong những phát biểu tại lễ ký kết. Tuy nhiên, trong một tuyên bố chung được đưa ra hôm 25/9, Mỹ và Nhật Bản tuyên bố sẽ không kiềm chế các biện pháp chống lại tinh thần của hiệp định này và nỗ lực cho một giải pháp sớm về các vấn đề liên quan đến thuế quan khác khi ám chỉ sự bế tắc về ô tô.

my va nhat ban da chinh thuc ky thoa thuan thuong mai co pham vi han che giai doan mot

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết, thuế quan đối với ô tô Nhật Bản dường như không thể xảy ra. Vào thời điểm này, chắc chắn đó không phải là ý định của Mỹ đối với ô tô Nhật Bản theo Mục 232. Đối với chính quyền Trump, thỏa thuận song phương với Nhật Bản sẽ đóng vai trò là điểm sáng khi thương mại với các nước đang gặp khó khăn. Chính quyền Tổng thống Trump đang bị sa lầy trong các cuộc đàm phán thương mại khó khăn với Trung Quốc, và chờ đợi đảng Dân chủ trong Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ sửa đổi với Canada và Mexico. Chính quyền Tổng thống Trump cũng sẵn sàng áp thuế mới đối với hàng tỷ đôla sản phẩm châu Âu như một phần của tranh chấp về trợ cấp máy bay châu Âu, làm trầm trọng thêm căng thẳng thương mại xuyên Đại Tây Dương.

Thỏa thuận song phương với Nhật Bản có thể giúp giảm bớt sự chỉ trích từ những người nông dân Mỹ đã phàn nàn về các thị trường bị mất do cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, một thỏa thuận thương mại đa quốc gia sẽ làm giảm các rào cản thương mại với Nhật Bản.

Trong tuyên bố hôm 25/9, Đại diện Thương mại Mỹ cho biết, một khi thỏa thuận được thực hiện, nông dân và chủ trang trại Mỹ sẽ có lợi thế tương tự ở Nhật Bản như các quốc gia đã ký kết CPTPP mà không có Mỹ. Tổng thống Trump khẳng định đã chính thức ký kết thỏa thuận với Nhật Bản để giúp đỡ những người nông dân bị tổn thương bởi thuế quan mà Trung Quốc đã áp đặt để đáp trả thuế quan của chính quyền đối với hàng hóa trị giá 360 tỷ USD.

Đối với chính quyền Tổng thống Trump, đó là một cơ hội tốt để Mỹ có thể thực hiện một thỏa thuận với Trung Quốc, khi các nhà đàm phán từ cả hai nước dự kiến ​​sẽ gặp nhau tại Washington vào tháng tới cho vòng đối mặt tiếp theo, trước khi tới thời hạn 15/10 sẽ tăng thuế đối với các sản phẩm trị giá 250 tỷ USD lên 30% từ 25%. Nông dân Mỹ hoan nghênh hiệp định thương mại với Nhật Bản khi sẽ hạ thuế quan của Nhật Bản đối với lúa mì xuống mức tương đương với các nhà sản xuất ở Canada và Australia là hai quốc gia đi trước trong việc ký kết CPTPP với Nhật Bản. Thỏa thuận mới của Nhật Bản bị hạn chế hơn nhiều so với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương và các hiệp định thương mại truyền thống khác, bao gồm một loạt các ngành công nghiệp và các quy tắc chi phối thương mại. Nhưng nó vẫn sẽ giúp củng cố lập luận của chính quyền Tổng thống Trump rằng họ có một chương trình nghị sự thương mại tích cực để phá vỡ các rào cản thương mại và mở rộng thị trường cho các nhà xuất khẩu Mỹ, không chỉ chọn đánh thuế, như một số nhà phê bình nhận định. Ngày 25/9, ông Trump nói rằng thỏa thuận này sẽ bao trùm lên mối quan hệ lớn với Nhật Bản nhưng điều đó trong tương lai gần, sẽ có nhiều thỏa thuận toàn diện hơn được ký với Nhật Bản.

Chính quyền Tổng thống Trump tuyên bố sẽ tiếp tục giai đoạn đàm phán thứ hai với Nhật Bản nhằm thúc đẩy một thỏa thuận thương mại toàn diện hơn. Các công ty và các nhóm ngành đã thúc giục chính quyền tiếp tục làm việc hướng tới một hiệp định thương mại truyền thống hơn nhằm bảo vệ nhiều doanh nghiệp hơn mà không bị trì hoãn. Hiệp hội Internet, đại diện cho các công ty lớn bao gồm Google, Amazon, eBay và Uber, cho biết các điều khoản thương mại kỹ thuật số mà Mỹ và Nhật Bản đã đồng ý sẽ mở rộng 38 tỷ đô la thương mại kỹ thuật số giữa hai nước và đặt ra các quy tắc quan trọng. Thỏa thuận cấm thuế hải quan đối với các sản phẩm kỹ thuật số như sách điện tử và phần mềm, đảm bảo luồng dữ liệu tự do xuyên biên giới và cấm các chính phủ tự ý truy cập mã nguồn và thuật toán nhạy cảm, trong số các biện pháp bảo vệ khác mà ngành công nghệ tìm kiếm. Vẫn còn nhiều việc phải làm để đảm bảo rằng phần còn lại của khung thương mại kỹ thuật số của Mỹ, bao gồm bảo vệ sở hữu trí tuệ và mua sản phẩm công nghệ của chính phủ, được đưa vào một hiệp định thương mại tự do đầy đủ. Nhưng đây là bước đầu tiên quan trọng.

Phòng Thương mại Mỹ cho biết, việc ký kết thỏa thuận thương mại “giai đoạn 1” sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng doanh số ở cả hai bên Thái Bình Dương, nhưng đó vẫn là chưa đủ. Cộng đồng doanh nghiệp Mỹ thúc giục chính quyền giữ vững cam kết của mình để đạt được thỏa thuận thương mại toàn diện, tiêu chuẩn cao với Nhật Bản nhằm giải quyết đầy đủ các ưu tiên thương mại của doanh nghiệp, bao gồm các dịch vụ, bảo vệ sở hữu trí tuệ và các rào cản pháp lý đối với thương mại. Thỏa thuận hạn chế với Mỹ đã gây tranh cãi nhiều hơn cho chính quyền của ông Abe, người phải đối mặt với những lời chỉ trích rằng đã cho đi một số lợi ích của Hiệp định TPP nhưng thu được rất ít.

Nhưng chính quyền Nhật Bản đã dập tắt mối đe dọa về thuế ô tô có thể tàn phá ngành công nghiệp Nhật Bản, nguồn xe nhập khẩu lớn thứ hai của Mỹ, sau Mexico. Nhật Bản cũng đang tìm cách củng cố mối quan hệ đối tác với Mỹ được coi là rất quan trọng để chống lại các thách thức chiến lược từ Trung Quốc và Triều Tiên. Thủ tướng Abe gọi thỏa thuận này là một kết quả có lợi cho Nhật Bản và Mỹ khi ký kết thỏa thuận với Mỹ hôm 25/9.

Nguồn: Báo Công thương