Lạng Sơn có lợi thế rất lớn trong phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại biên giới, dịch vụ, du lịch, với 2 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu song phương, 9 cửa khẩu phụ thông thương với Trung Quốc. Nằm trên tuyến Hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng, Lạng Sơn là cầu nối cho hàng hóa của Việt Nam và ASEAN xuất nhập khẩu với thị trường Trung Quốc và ngược lại. Đồng thời, Lạng Sơn cũng có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp, các sản phẩm đặc trung vùng miền.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Lạng Sơn 2019 |
Ông Phạm Ngọc Thưởng – Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn - cho biết, những năm vừa qua, tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều nỗ lực để huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, và đã đạt được những kết quả tích cực. Trong đó, tăng trưởng GDP của Lạng Sơn giai đoạn 2016-2018 đạt 8,5%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 2.100 USD/năm, văn hóa xã hội ngày càng tiến bộ, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, quốc phòng, an ninh, trật tự xã hội đảm bảo. Tuy nhiên, những kết quả đạt được còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế cũng như mong muốn. Đảng bộ, chính quyền tỉnh Lạng Sơn đang tiếp tục nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn, huy động mọi ngưồn lực cho phát triển.
"Với chủ đề: Lạng Sơn điểm đến thành công của nhà đầu tư, Hội nghị Xúc tiến đầu tư Lạng Sơn 2019 được tổ chức nhằm quảng bá những tiềm năng, thế mạnh, các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, đồng thời lắng nghe ý kiến chỉ đạo, định hướng từ phía Chính phủ, các bộ, ngành trung ương cũng như của các nhà đầu tư nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn hiệu quả, bền vững hơn” - ông Phạm Ngọc Thưởng phát biểu.
Tại hội nghị, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ và đại diện các bộ, ngành trung ương có liên quan, UBND tỉnh Lạng Sơn đã trao giấy phép đầu tư, chứng nhận đầu tư cho 25 nhà đầu tư với 102 dự án, có tổng số vốn đầu tư cam kết khoảng trên 105.000 tỷ đồng, tập trung vào các lĩnh vực hạ tầng đô thị, thương mại, du lịch, dịch vụ, nông nghiệp... Ông Phạm Ngọc Thưởng khẳng định: Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn sẽ thực hiện đầy đủ trách nhiệm với các nhà đầu tư khi đến Lạng Sơn đầu tư; luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các nhà các đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thành công trên mảnh đất của xứ Lạng.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những nỗ lực và những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, đảm bảo an ninh, quốc phòng… của tỉnh Lạng Sơn đã đạt được trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý tỉnh Lạng Sơn là tăng trưởng kinh tế dù cao nhưng chưa thực sự bền vững, thu nhập bình quân đầu người vẫn thấp, sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao, các sản phẩm nội địa chưa có sự nổi trội, tăng trưởng kinh tế của Lạng Sơn cũng chưa tạo ra được sức lan tỏa lớn… Thủ tướng cho rằng, tăng trưởng về phát triển kinh tế của Lạng Sơn có ý nghĩa quan trọng góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng đồng đều giữa các khu vực ở Việt Nam (đô thị, đồng bằng và miền núi). Thủ tướng mong muốn, những tiềm năng, lợi thế phát triển của tỉnh Lạng Sơn cần phải được tận dụng khai thác, phát huy hiệu quả mạnh mẽ, rõ nét hơn.
Về kinh tế cửa khẩu, Lạng Sơn cần tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng thương mại, dịch vụ, phục vụ luân chuyển hàng hóa, xuất nhập khẩu, không chỉ xuất khẩu hàng hóa của Lạng Sơn mà còn làm cầu nối giao thương cho cả nước, tạo ra dòng chảy thương mại, đầu tư mạnh vào Lạng Sơn, phát huy và khai thác tiềm năng kinh tế, thương mại thị trường phía Bắc Việt Nam và thị trường Trung Quốc với lợi thế thuận lợi trên tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng. Phát triển kinh tế cửa khẩu có tầm nhìn xa và qui mô đủ lớn.
Về du lịch, Lạng Sơn có nhiều tài nguyên du lịch có thể khai thác, đặc biệt là khu du lịch Mẫu Sơn đã được Thủ tướng phê duyệt là khu du lịch quốc gia. Tuy nhiên, tiềm năng du lịch chưa được khai thác tương xứng với tiềm năng và lợi thế, cần phải được khai thác có hiệu quả hơn theo hướng bền vững. Theo Thủ tướng, nếu biết khai thác, Lạng Sơn sẽ trở thành một trong những điểm đến du lịch nổi tiếng của Việt Nam bởi không chỉ có khu du lịch Mẫu Sơn, mà Lạng Sơn còn có nhiều địa danh, thắng cảnh và bản sắc văn hóa các dân tộc có thể khai thác phát triển du lịch theo hướng nhân văn.
Về nông nghiệp, Lạng Sơn có rất nhiều các sản vật địa phương có giá trị và nổi tiếng. Nhưng sản xuất nông nghiệp hàng hóa qui mô còn nhỏ, lẻ, công nghiệp chế biến sâu chưa phát triển. Do vậy, Lạng Sơn cần chú trọng thu hút đầu tư vào việc chế biến sâu các sản phẩm nông sản có chất lượng cao để tiêu thụ tại thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu, Lạng Sơn cùng các địa phương lân cận cần xây dựng cơ chế liên kết kinh tế giữa các tỉnh vùng biên giới phía Bắc. Chính phủ và các Bộ ngành trung ương sẽ quyết tâm hợp sức cùng để thực hiện việc này. Đồng thời, Lạng Sơn cần phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tốt hơn, cải cách mạnh mẽ hành chính công, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp. Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ tiếp tục giữ gìn môi trường hòa bình, môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, thuận lợi nhất cho tỉnh Lạng Sơn và các nhà đầu tư phát triển thành công.
Nguồn: Báo Công thương