Bạn đang ở đây

Xuất khẩu qua kênh thương mại điện tử: Từ kế hoạch đến hiện thực

01/10/2019 10:17:58

Thưa ông, đâu là mục tiêu đặt ra của Chương trình Xúc tiến xuất khẩu hàng hóa thương hiệu Việt qua các kênh TMĐT?

Xu hướng bùng nổ của internet và các thiết bị điện tử đang tạo cơ hội lớn cho các DN của Việt Nam trong việc tiếp cận khách hàng trên toàn thế giới. TMĐT không chỉ hỗ trợ DN vượt qua rào cản địa lý để tìm kiếm khách hàng mà còn giúp giảm chi phí.

xuat khau qua kenh thuong mai dien tu tu ke hoach den hien thuc

Tuy nhiên, theo số liệu từ Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), hiện mới có khoảng 11% DN Việt Nam tham gia các sàn TMĐT, 35% DN thiết lập được quan hệ với đối tác nước ngoài thông qua kênh trực tuyến. Con số này vẫn quá nhỏ so với hơn 700.000 DN đang hoạt động. Nguyên nhân chủ yếu do kỹ năng ứng dụng TMĐT còn hạn chế; hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin của DN chưa phát triển; rào cản về ngôn ngữ và cách thức, công cụ marketing…

Vì vậy, Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) tiếp tục tham mưu, đề xuất xây dựng, điều chỉnh cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ DN tiếp cận và phát triển thị trường, tăng cường cơ hội xuất khẩu. Ngoài ra, phát triển thương mại trên các sàn giao dịch TMĐT lớn cũng đồng thời là một trong những cách nhanh nhất để DN có thể gây dựng thương hiệu riêng và tiếp cận khách hàng.

Thời gian qua, Cục XTTM đã hỗ trợ kết nối, giúp DN Việt bán hàng trên trang TMĐT của Amazon. Ông có thể chia sẻ những kết quả bước đầu?

Trong chương trình hợp tác với Amazon, dựa trên các tiêu chí như kinh nghiệm xuất khẩu, năng lực TMĐT, trình độ nhân lực…, Bộ Công Thương lựa chọn được 105 DN tham gia các lớp đào tạo kỹ năng bán hàng, kỹ năng quảng cáo trên TMĐT… do chuyên gia của Amazon giảng dạy.

Thời gian đầu, khi mới lập tài khoản trên Amazon, DN Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn về kỹ thuật và ngôn ngữ. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ kịp thời từ những chuyên gia của chương trình, DN dần vượt qua các trở ngại.

Đến nay, trong số 105 DN được lựa chọn, có hơn một nửa số DN thành công trong việc mở tài khoản bán hàng trên Amazon; 16 DN có sản phẩm trên trang website amazon.com; 14 DN đã thực hiện giao dịch thành công với người tiêu dùng Hoa Kỳ.

Tuy số lượng DN bán hàng thành công trên Amazon chưa nhiều nhưng bước đầu, DN nhỏ và vừa Việt Nam thâm nhập được thị trường Hoa Kỳ thông qua TMĐT theo hình thức B2C tới tận tay người tiêu dùng. Đây cũng là một trong những mục tiêu mà Amazon và Cục XTTM đặt ra từ những ngày đầu đàm phán. Trong tương lai, chương trình này hứa hẹn sẽ đem lại nhiều thành quả to lớn hơn.

Được biết, Cục XTTM đã xây dựng kế hoạch cụ thể cho chương trình hợp tác với Amazon trong những năm tiếp theo nhằm thúc đẩy hơn nữa xuất khẩu hàng hóa thương hiệu Việt trên trang TMĐT này. Xin ông cho biết về kế hoạch này?

Trong khuôn khổ Chương trình xúc tiến xuất khẩu qua Amazon giai đoạn 2020 - 2021, Cục XTTM sẽ phối hợp với Amazon hỗ trợ DN xây dựng và phát triển thương hiệu thông qua các hoạt động cụ thể. Theo đó, hướng dẫn DN vừa và nhỏ áp dụng và sử dụng "Amazon Brand Registry" 2.0 hoặc công cụ "Nội dung thương hiệu nâng cao" của Amazon. Đây là Chương trình xây dựng và bảo vệ thương hiệu cho các DN trên Amazon. Cùng đó, phối hợp với Amazon lựa chọn sản phẩm, thương hiệu của Việt Nam bán chạy, có uy tín và đưa vào danh sách ưu tiên hiển thị trên Amazon. Thông qua chương trình, sự kiện XTTM trong và ngoài nước, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Amazon tổ chức quảng bá cho DN tham gia chương trình có sản phẩm bán chạy, giúp DN tiếp cận thêm đối tác tiềm năng trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, Amazon sẽ hỗ trợ Cục XTTM và các tổ chức XTTM của Việt Nam mở gian hàng chung trên Amazon. Dự kiến, Cục XTTM sẽ thành lập một tài khoản bán hàng chung và lựa chọn một số DN có sản phẩm phù hợp cùng sử dụng tài khoản này. Đây là cách thức giúp DN vừa và nhỏ có cơ hội thực hành và rút kinh nghiệm trước khi tự đứng ra sử dụng tài khoản bán hàng độc lập. Theo đó, mỗi gian hàng chung sẽ là đại diện bán hàng cho hàng chục DN với hàng trăm sản phẩm.

Điều cốt lõi để DN Việt Nam tham gia và phát triển kinh doanh lâu dài trên nền tảng TMĐT vẫn là uy tín và chất lượng sản phẩm, cũng như sự chủ động của DN trong đầu tư và nâng cao kỹ năng ứng dụng TMĐT, có kế hoạch xây dựng và phát triển thương hiệu bền vững.

Xin cảm ơn ông!

Việc bán hàng qua các sàn TMĐT là một trong những cách nhanh nhất để DN có thể xây dựng thương hiệu riêng, từ đó xuất khẩu ra toàn cầu.

Nguồn: Báo Công thương