Hội nghị kết nối cung - cầu giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh thành năm 2019 là năm thứ 8 được tổ chức, lần này có 2.341 doanh nghiệp từ 45 địa phương của cả nước tham gia. Trong đó, 558 doanh nghiệp tổ chức giới thiệu trưng bày trưng bày 449 gian hàng với khoảng 2.000 mặt hàng là những loại đặc sản của các vùng miền. Đại diện Ban tổ chức cho biết, sau 4 ngày diễn ra (từ 27- 30/9), dự kiến có khoảng 500 hợp đồng ghi nhớ sẽ được ký kết nhưng hiện tại đã có hơn 500 hợp đồng, bản ghi nhớ hợp tác sản xuất, cung ứng hàng hóa giữa nhà sản xuất với nhà phân phối được thực hiện.
Phó Giám đốc Công ty Tây Long (Vinh Long) Trần Thị Tố Lan cho biết, doanh nghiệp chuyên sản xuất các loại đồ chơi bằng gỗ chất lượng, tính mỹ thuật cao, an toàn dành cho trẻ em, tham gia hội nghị kết nối cung cầu năm nay với mong muốn tìm “đầu ra” cho các mặt hàng độc đáo này. Kết thúc 4 ngày tham gia trưng bày, triển lãm, bà Tố Lan cho hay, doanh nghiệp đã bàn thảo xong việc đưa hàng hóa phân phối cho các sân bay trên cả nước và với đối tác phân phối tại khu vực TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Bà Trần Thị Tố Lan - Phó Giám đốc Công ty Tây Long giới thiệu sản phẩm đồ chơi dành cho trẻ em bằng gỗ cho một đối tác đến từ Đà Lạt - Lâm Đồng và được doanh nghiệp này ký hợp tác bao tiêu sản phẩm ngay tại Hội nghị kết nối cung - cầu năm 2019 |
Bà Nguyễn Huỳnh Trang - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh - đánh giá, từ số hợp đồng đã được ký kết vượt dự kiến giữa các doanh nghiệp, cùng với những ý kiến tại hội nghị đưa thực phẩm an toàn vào nhà hàng, khách sạn và hội nghị cung ứng – phân phối hàng hóa tại TP. Hồ Chí Minh nằm trong chuỗi sự kiện của Hội nghị kết nối cung - cầu cho thấy, không chỉ đối với các nhà sản xuất hàng hóa mà chính những nhà phân phối cũng đang rất cần hình thành nên một kênh cung - cầu hàng hóa bài bản, lâu dài và mang tính hiện đại.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh - thông tin, TP. Hồ Chí Minh hiện có hơn 4.000 cơ sở lưu trú du lịch, 150 khách sạn loại 3 - 5 sao cùng với hàng nghìn các cơ sở kinh doanh ăn uống trên địa bàn. Tuy nhiên, trong số các cơ sở kinh doanh lưu trú và dịch vụ ăn uống của ngành du lịch thành phố chỉ có số ít đơn vị đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Theo bà Hoa, việc sử dụng nguồn thực phẩm tươi, ngon, an toàn vệ sinh là vấn đề bức thiết hiện nay của ngành du lịch thành phố và mong muốn các nhà sản xuất, nhà phân phối thực phẩm hợp tác sâu rộng hơn nhằm nâng cấp, giữ gìn hình ảnh, thương hiệu du lịch của TP. Hồ Chí Minh trong mắt du khách trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An - ông Nguyễn Văn Út - cho biết, tính từ năm 2017 đến nay, các đơn vị của Long An tham gia chương trình kết nối cung - cầu đã thực hiện 194 hợp đồng cung ứng hàng hóa các doanh nghiệp phân phối của TP. Hồ Chí Minh và với các tỉnh thành khác, tăng gấp 5 lần so với trước thời điểm năm 2017.
Tại hội nghị kết nối cung - cầu năm 2019, tỉnh Long An có hơn 20 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia, mục tiêu là giới thiệu các mặt hàng nông sản chủ lực và mở rộng kênh phân phối đến với nhiều thị trường trong nước. Cùng với kế hoạch kết nối cung - cầu, Long An đang tích cực triển khai sản xuất hàng nông sản sạch, rau củ quả hữu cơ, organic… để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Công ty Nông nghiệp Tân Tiến (Ninh Thuận) giới thiệu cho đối tác và người tiêu dùng TP. Hồ Chí Minh sản phẩm măng tây tại hội nghị |
Ông Nguyễn Hữu Lập - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre - nhìn nhận, thị trường nội địa đang trở thành điểm tựa của các doanh nghiệp và nền kinh tế. Để đảm bảo ổn định đầu ra cho sản xuất hàng hóa trong nước, các nhà sản xuất rất cần có thêm nhiều các chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa, nhằm giúp doanh nghiệp sản xuất ổn định, đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng hiệu quả hơn. Với các doanh nghiệp của TP. Hồ Chí Minh, ông Lập đề xuất các đơn vị cần tích cực hơn nữa trong việc cung cấp thông tin về thị trường, quy cách sản phẩm, hình thức bao gói, các quy định về việc đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối để nhà sản xuất chủ động kế hoạch triển khai đúng trọng tâm, trọng điểm, mang lại hiệu quả ngày càng cao.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, Bộ Công Thương luôn đánh giá chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa do UBND TP. Hồ Chí Minh thực hiện trong 8 năm nay. Chương trình kết nối cung - cầu của TP. Hồ Chí Minh thực hiện đã thật sự tạo không gian rộng lớn cho nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng dễ dàng gặp nhau. Chương trình kết nối cung – cầu không chỉ dừng lại ở khâu liên kết giữa nhà sản xuất với nhà phân phối để cung ứng các mặt hàng thiết yếu cho người dân TP. Hồ Chí Minh như lúc ban đầu mà trở thành điểm hẹn của kết nối giao thương, hợp tác sản xuất, cung ứng hàng hóa theo chuỗi kép kín và đang được lan tỏa ra nhiều tỉnh thành.
Tuy nhiên, Thứ trưởng lưu ý, để chương trình kết nối cung - cầu trở thành một điểm tựa cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, có điều kiện hợp tác sản xuất, bao tiêu sản phẩm hình thành nên chuỗi sản xuất bền vững, các nhà sản xuất, nhà phân phối cần tháo bỏ những rào cản, hợp tác sâu rộng hơn trong sản xuất, cung ứng hàng hóa trên tinh thần hỗ trợ cùng nhau để phát triển.
Nguồn: Báo Công thương