Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), thực hiện chủ trương của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính và quyết tâm đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực công thương của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, thời gian qua, công tác cải cách hành chính của Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam.
Việc cấp chứng thư xuất khẩu qua internet cho hàng dệt may xuất khẩu đi Mexico giúp giảm thiểu thời gian và chi phí cho doanh nghiệp |
Cụ thể, về công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), Cục Xuất nhập khẩu đã thực hiện bãi bỏ và đơn giản hóa 62 TTHC trên tổng số 76 TTHC, tương đương 81,6% số TTHC thuộc lĩnh vực phụ trách của Cục Xuất nhập khẩu. Trong đó có 2 TTHC được bãi bỏ, 7 TTHC được thực hiện hoàn toàn dưới hình thức trực tuyến cấp độ 4 và kết nối Hệ thống Một cửa Quốc gia kể từ ngày 1/2/2016; 25 TTHC được thực hiện qua Internet dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 đồng thời cắt giảm thành phần hồ sơ và 28 TTHC được đơn giản hoá theo hình thức giảm thành phần hồ sơ hoặc rút ngắn thời gian cấp phép.
Ngày 1/10/2019, thêm 9 TTHC của Cục Xuất nhập khẩu chính thức được thực hiện trực tiếp cấp độ 3 trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương bao gồm: cấp phép nhập khẩu tự động thuốc lá điếu, xì gà; cấp mới, cấp lại, sửa đổi bổ sung, gia hạn giấy chứng nhận đăng ký quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu của thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam; cấp mới, cấp đổi, cấp lại giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô; cấp giấy phép tạm xuất, tái nhập và cấp giấy phép kinh doanh chuyển khẩu.
Bằng hình thức trực tuyến cấp độ 3 và cấp độ 4, khi thực hiện các TTHC của Cục Xuất nhập khẩu, thương nhân gửi hồ sơ xin cấp phép và nhận kết quả qua mạng Internet hoặc qua dịch vụ bưu chính, nhờ đó rút ngắn được thời gian xin giấy phép và giảm thiểu chi phí phát sinh trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Công tác cải cách thủ tục hành chính cũng đã đem lại hiệu quả rõ rệt trong lĩnh vực cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) ưu đãi cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Bộ Công Thương và Cục Xuất nhập khẩu đang áp dụng trên toàn quốc hệ thống khai báo C/O điện tử và cấp C/O qua Internet, theo đó thời gian cấp C/O tại các Phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực trực thuộc Cục chỉ trong vòng 02 - 04 giờ làm việc, đặc biệt có Phòng giải quyết thủ tục trong khoảng 01 giờ làm việc đối với những lô hàng xuất khẩu bằng được hàng không. Với số lượng gần một triệu bộ hồ sơ C/O ưu đãi được cấp trong năm 2018 (tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 15 - 18%/năm), việc quy định công khai, minh bạch quy trình thủ tục và hồ sơ xin cấp phép C/O được đơn giản, hạn chế các mẫu đơn, các yêu cầu chứng thực đã rút ngắn thời gian và giảm đáng kể chi phí lưu trữ, vận chuyển chứng từ không những cho thương nhân xuất nhập khẩu hàng hóa mà còn cả đối với cơ quan quản lý nhà nước.
Cùng với nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực xuất nhập khẩu được Cục Xuất nhập khẩu triển khai theo hướng minh bạch, ổn định, đơn giản hoá TTHC, đồng thời cụ thể hoá quy trình trình tự TTHC kèm theo thời gian xử lý để các Bộ ngành thực hiện thống nhất. Với tinh thần đó, năm 2018 Cục Xuất nhập khẩu đã chủ trì xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 04 Nghị định của Chính phủ; trình Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành 20 Thông tư của Bộ. 9 tháng đầu năm 2019, Cục Xuất nhập khẩu đã xây dựng và trình Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành 07 Thông tư trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Dự kiến trong năm 2020, Cục Xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục triển khai các TTHC còn lại (khoảng trên 30 TTHC) theo hình thức trực tuyến cấp độ 3, 4.
Những kết quả đạt được trong công tác cải cách hành chính ở Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương trong thời gian qua đã có tác động tích cực, tạo chuyển biến quan trọng, làm thay đổi nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, các cơ quan, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện cải cách hành chính, góp phần tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam; làm lành mạnh, minh bạch hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.