Ruộng bậc thang Mù Cang Chải (Ảnh: Thanh Miền) |
>> Khám phá miền Tây - những điểm nhấn trong tháng 9
Sáng tạo trong lao động sản xuất, sản phẩm từ đôi bàn tay lao động nhiều đời của người Mông Mù Cang Chải không chỉ tạo nên những mùa vàng no ấm mà đã kết tinh trở thành danh thắng, di sản văn hóa cấp quốc gia.
Qua đèo Khau Phạ mờ trong sương trắng là tới đất Mù Cang Chải. Từ đèo này qua đèo khác, núi này qua núi khác, cùng cảm nhận rõ nét sự thay đổi của độ cao, du khách sẽ gặp những triền ruộng bậc thang hiện lên giữa bạt ngàn núi rừng.
Điểm nhấn của nó là gần 500 ha nằm trên địa bàn ba xã: La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dế Xu Phình - nơi ruộng bậc thang nằm tập trung như những mâm xôi vàng.
Bà Lương Thị Xuyến - Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết: "Lịch sử hình thành ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải gắn liền với lịch sử cư trú của người Mông, chủ nhân cư trú đầu tiên tại vùng đất này. Khai khẩn ruộng bậc thang là một quá trình công phu, tốn nhiều công sức, thể hiện sự sáng tạo, bền bỉ, khéo léo của nhiều thế hệ người Mông nơi đây!”.
"Tiếng Mông, bậc thang gọi là "làn đáy” - ông Giàng Chứ Ly, một người Mông xã La Pán Tẩn cho biết. Theo ông Ly, không phải quả núi nào cũng có thể khai khẩn để làm ruộng bậc thang mà chỉ những quả núi có độ dốc vừa phải, có khả năng tạo mặt bằng và ít sỏi đá, có nguồn nước từ khe suối mới có thể làm ruộng.
Để làm ruộng bậc thang, sau khi đã lựa chọn được mảnh đất ưng ý, việc tiếp theo của bà con sẽ là xác lập quyền khai khẩn.
"Có thể là việc xếp các cột đá cao hoặc chặt ngọn một số cây gỗ lớn trên mảng đất đó làm dấu” - ông Ly cho biết.
Khi đã huy động được bà con trong bản và điều kiện thời tiết thuận lợi và cúng rừng, việc khai khẩn được tiến hành, thường là vào mùa xuân (khoảng tháng 1, 2, 3) để có thể tháo nước vào sử dụng ngay trong tháng 4, 5 cho kịp thời vụ.
Để làm ruộng, trước hết phải phát cỏ và các loại cây nhỏ, dọn sạch mặt đất, sau đó dùng cuốc đánh các gốc to rồi tiến hành đào và san mặt ruộng. Quá trình làm, khó khăn nhất là tạo mặt bằng vì liên quan đến việc giữ cũng như chia đều nước cho toàn ruộng. Cũng bởi vậy, việc tạo mặt bằng đòi hỏi kỹ thuật cao, chuẩn xác.
Sau san tạo, việc tiếp theo là làm bờ, là yếu tố rất quan trọng vì bờ đóng vai trò giữ nước. Bờ ruộng được tiến hành làm ngay từ khi san ruộng, đất làm bờ được lấy ngay từ chỗ san gạt ở phía mép cuối của mặt bằng thửa ruộng. Bà con thường dùng cuốc bướm cào đất thành bờ, dùng chân dẫm và gáy cuốc đập mạnh vào để nén chặt bờ ruộng. Độ chênh lệch giữa thửa ruộng trên và thửa dưới thường là 1 m - 1,5 m. Khi có nước tháo vào ruộng, bờ sẽ cứng lại thành "bức tường” giữ nước.
Từ năm này qua năm khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, công việc khai khẩn đã tạo nên các triền ruộng tựa như những bức tranh nghệ thuật hoành tráng treo trên các sườn đồi Mù Cang Chải như ngày nay.
Càng đẹp hơn, quyến rũ hơn vào mùa lúa chín khi những thửa ruộng bậc thang tầng tầng, lớp lớp như những nấc thang khổng lồ bắt lên trời, tựa những mâm xôi vàng, để khi hòa trong gió núi, hương sắc của "biển vàng” này cứ cuồn cuộn tỏa lan khắp núi rừng Mù Cang Chải.
>> Mê hoặc mùa vàng Mù Cang Chải
Mù Cang Chải hôm nay không chỉ có sự phong phú của thiên nhiên, sự đặc sắc của văn hóa và ấm áp của tình người mà thú vị hơn, với sự đầu tư của Nhà nước, của tỉnh, huyện và sự vươn lên của đồng bào vùng cao trong cuộc chiến đói nghèo, những thửa ruộng bậc thang nơi đây càng được mở rộng thêm mãi chẳng những tạo nên bao mùa vàng no ấm mà còn là căn cứ để tỉnh Yên Bái tiếp tục lập hồ sơ khoa học trình Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt.
Người Mông Mù Cang Chải khai hoang ruộng bậc thang
... cần cù lao động, tạo ra những mùa vàng bội thu
... làm nên danh thắng quốc gia, để giờ đây, ruộng bậc thang Mù Cang Chải trở thành "linh hồn” du lịch, thu hút bao du khách gần xa đến với cao nguyên Mù Cang Chải. |