Điểm sáng về tăng trưởng xuất khẩu
Bình Dương hiện là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và liên tục xuất siêu nhiều năm liền. Trong năm 2018, kim ngạch xuất khẩu (XK) của Bình Dương đạt 25,28 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ, chiếm 10,4% tổng kim ngạch XK cả nước; nhập khẩu ước đạt 20,5 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ và chiếm 8,7% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước. Xuất siêu ước đạt trên 4,78 tỷ USD.
Trong các ngành hàng chủ lực, ngành gỗ vẫn là ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu với hơn 2 tỷ USD |
Chỉ riêng trong tháng 8, kim ngạch XK của Bình Dương đạt trên 3,4 tỷ USD và lũy kế trong 8 tháng năm 2019 đạt hơn 17,5 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ. Trong đó xuất siêu đạt hơn 4,5 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 3,2 tỷ USD, tăng 6,5%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt trên 14,3 tỷ USD, tăng 14,7%. so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu (NK) của tỉnh Bình Dương trong 8 tháng cũng tăng so với cùng kỳ. Theo đó, kim ngạch NK của Bình Dương đạt 12,9 tỷ USD, tăng 7,1%; trong đó, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 10,9 tỷ USD tăng 8,2%, khu vực kinh tế trong nước đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 1,7%.
Ông Nguyễn Văn Dành, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương - nhìn nhận, trong bức tranh kinh tế của Bình Dương, tăng trưởng XK nổi lên như một điểm sáng trong 8 tháng năm 2019. Nhiều mặt hàng XK chủ lực của tỉnh tiếp tục đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm ngoái, như dệt may tăng 13,5%, giày dép tăng 13,5%, sản phẩm bằng gỗ tăng 15,1%, linh kiện điện tử tăng 14,6%...
Đặc biệt, trong các ngành hàng chủ lực, ngành gỗ vẫn là ngành hàng có kim ngạch XK dẫn đầu với hơn 2 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 11,5% tổng kim ngạch XK của tỉnh Bình Dương. Kết quả này cho thấy việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tận dụng các cơ hội trong hội nhập đã được các DN trong nước thực hiện tốt.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Bình Dương tiếp tục tăng trưởng ấn tượng |
EVFTA mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu
Việc ký kết thành công Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA ) được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) Bình Dương XK mặt hàng nông sản (gạo, cà phê, mật ong, chăn nuôi, hoa quả, thủy sản...), dệt may, da giày, đồ gỗ... trong thời gian tới, khi EU xóa bỏ phần lớn các dòng thuế NK.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, cũng nhìn nhận, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và EVFTA như đòn bẩy thúc đẩy thêm cho ngành gỗ phát triển. Dự báo, trong thời gian tới đơn hàng XK của ngành gỗ sẽ còn tăng.
Hiện các thị trường XK chính của ngành gỗ Bình Dương duy trì mức tăng trưởng tốt như: Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc…. Đặc biệt, ngành gỗ ghi nhận sự gia tăng tiêu thụ tại các thị trường mới như Canada, Liên minh kinh tế Á – Âu (EAEU)…
Theo ghi nhận, hầu hết các DN Bình Dương đã có đơn hàng sản xuất, XK đến hết quý 3, đặc biệt một số DN lớn có hợp đồng đến hết năm 2019. Nhiều DN đã tiến hành đàm phán ký kết đơn hàng XK mới trong năm 2020, đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn so với năm 2019.
Theo Sở Công Thương Bình Dương, trong năm 2019, Bình Dương đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 15,5% so với năm 2018. Để đạt được mục tiêu này, Sở Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp như: đẩy mạnh thực hiện các chương trình xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường XK. Đồng thời, tạo điều kiện cho DN đăng ký thương hiệu sản phẩm tại các thị trường XK.
Bên cạnh đó ngành Công Thương cũng tích cực tham mưu cho UBND tỉnh Bình Dương đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển dịch vụ logistics để hỗ trợ XK; thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN nhằm rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.