Bạn đang ở đây

Phấn đấu đến năm 2020 cơ bản sắp xếp xong các công ty nông lâm nghiệp

22/08/2019 10:30:04

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, đến nay, cả nước đã có 160 công ty nông lâm nghiệp hoàn thành sắp xếp chuyển sang hoạt động theo quy định pháp luật theo mô hình mới, đạt 62,5%. Các công ty nông lâm nghiệp sau khi sắp xếp lại, bước đầu sản xuất kinh doanh đã dần ổn định hơn. Đặc biệt với mô hình cổ phần hóa các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận đều tăng và hiệu quả sản xuất kinh doanh hơn trước khi chuyển đổi. Điển hình như Công ty cổ phần Chè Phong Hải, Công ty cổ phần Chè Thanh Bình thuộc tỉnh Lào Cai, Công ty TNHH một thành viên Nông công nghiệp Sông Hiếu thuộc tỉnh Nghệ An...

phan dau den nam 2020 co ban sap xep xong cac cong ty nong lam nghiep
Phấn đấu đến năm 2020 cơ bản sắp xếp xong các công ty nông lâm nghiệp

Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình sắp xếp, cổ phần hóa công ty nông lâm nghiệp vẫn còn nhiều tồn tại. Theo đó, một số địa phương, đơn vị thực hiện việc sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp chậm đặc biệt là đối với sắp xếp theo mô hình thành lập công ty TNHH hai thành viên trở lên (Bà Rịa-Vũng Tàu, Tuyên Quang, Hòa Bình, Bình Thuận, Bắc Giang, Tổng công ty Cà phê Việt Nam) và giải thể (Yên Bái, Quảng Ngãi, Tổng công ty Cà phê Việt Nam…). Phương án tổng thể chưa rà soát toàn diện, nên sau khi phương án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tiếp tục đề nghị điều chỉnh mô hình sắp xếp làm chậm tiến độ như: Quảng Ninh, Nghệ An, Cà Mau, TP Hà Nội, Tổng công ty Cà phê Việt Nam. Diện tích đất, tài sản trên đất các công ty bàn giao về địa phương còn rất ít, khoảng 78.300 ha/450.000 ha chưa đo đạc, bàn giao; tài sản trên đất chưa được giải quyết rành mạch. Do vậy diện tích đất này vẫn đang tranh chấp, lấn chiếm, quản lý rất phức tạp, vẫn giao cho các công ty tiếp tục quản lý. Mô hình hai thành viên trở lên đạt kết quả thấp, mới đạt 40% kết quả sắp xếp.

Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, mô hình nào cũng có lợi ích và hạn chế nhất định. Đơn cử khi sắp xếp, chuyển thành công ty cổ phần thì Nhà nước vẫn nắm giữ cổ phần chi phối, nên khó thu hút vốn đầu tư của tư nhân. Nếu Nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối thì khó thực hiện bảo vệ rừng và gắn kết hài hoà tổ chức sản xuất và ổn định hộ gia đình nhận khoán đất.

Theo báo cáo của các địa phương, đến 30/6/2019, còn 27 công ty chưa thực hiện sắp xếp, chiếm 10,54% tổng số công ty phải sắp xếp theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, mô hình Công ty TNHH MTV 100% vốn Nhà nước thực hiện nhiệm vụ sản xuất cung ứng dịch vụ công ích: 1 công ty; công ty cổ phần: 13 công ty; công ty TNHH hai thành viên trở lên: 9 công ty; và giải thể 4 công ty. Các công ty chưa thực hiện sắp xếp chủ yếu thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam (20 công ty), và 4 tỉnh, TP (TP Hà Nội 1 công ty, TP Hồ Chí Minh 2 công ty, Đắk Lắk 1 công ty, Ninh Bình 1 công ty, Nam Định 2 công ty).

Theo kế hoạch, các công ty đang thực hiện, dự kiến hoàn thành sắp xếp trong năm 2019 chuyển sang hoạt động theo quy định pháp luật theo mô hình mới là 69 công ty, sẽ giải thể 13 công ty.

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh, quá trình đổi mới, sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp thời gian qua là tích cực. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 cơ bản sắp xếp xong các công ty nông lâm nghiệp. Tuy nhiên, việc sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp chỉ là giai đoạn đầu. Đổi mới, phát triển nông cao hiệu quả hoạt động của các công ty này mới là điều quan trọng. Để hoàn thành sắp xếp, chuyển đổi các công ty nông lâm nghiệp vào năm 2020 theo Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị định số 118/2014/NĐ-CP về sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông lâm nghiệp, Phó Thủ tướng đề nghị cần nghiên cứu thêm cả hình thức phá sản đối với các công ty chờ giải thể. Đối với cổ phần hoá, Phó Thủ tướng cho rằng cần tính toán rõ trường hợp nào Nhà nước phải nắm cổ phần chi phối, trường hợp nào bán hết cho thành phần kinh tế khác, trường hợp nào Nhà nước giữ quyền phủ quyết cần tính toán kỹ. Vấn đề này sẽ dành quyền ưu tiên cho các địa phương đề xuất. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đặt ra vấn đề nghiên cứu đối với các công ty nông lâm nghiệp, nếu Nhà nước không giữ quyền chi phối thì pháp luật có nên cho phép thu hút nhà đầu tư chiến lược không?

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đề nghị Bộ NN&PTNT thời gian tới trong quá trình thực hiện, đánh giá kỹ hơn 4 thành tố quan trọng trong quá trình này là sắp xếp, đổi mới, phát triển, sản xuất hiệu quả.

Nguồn: Báo Công thương