Theo số liệu từ Sở Công Thương Vĩnh Phúc, tính đến hết tháng 6/2019, 110/110 xã trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành tiêu chí số 4. Để có được kết quả này, ngay sau khi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được Chính phủ phê duyệt, Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quy hoạch phát triển điện lực giai đoạn 2016-2025 có xét đến năm 2035. Trên cơ sở quy hoạch này, ngành điện đã đầu tư lưới điện trung áp, đơn vị bán lẻ điện đầu tư lưới điện hạ áp, các địa phương chuẩn bị đất cho xây dựng các công trình điện, nhờ đó đã đáp ứng được nhu cầu về điện cho sản xuất, sinh hoạt.
Cùng đó, Sở Công Thương cũng đã phối hợp với Sở Tài chính xây dựng đề xuất và đã được tỉnh phê duyệt cơ chế hỗ trợ các xã nông thôn nguồn vốn đối ứng với hình thức không thu khấu hao đối xã, khấu hao này coi như nguồn kinh phí tỉnh đầu tư cho phát triển lưới điện nông thôn. Cùng với các nguồn vốn khác, tính đến nay ngành Công Thương Vĩnh Phúc đã huy động được trên 412 tỷ đồng cho phát triển điện nông thôn.
Theo đại diện Sở Công Thương Vĩnh Phúc, trước khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, phần lưới điện hạ áp nông thôn do các hợp tác xã, các tổ chức kinh doanh điện khác quản lý đã được đầu tư và đưa vào sử dụng hàng chục năm trước. Do vậy, nhiều công trình đã xuống cấp, không bảo đảm an toàn. Sau khi thực hiện xây dựng nông thôn mới, nhất là được đầu tư bằng nguồn vốn lớn, cơ sở hạ tầng lưới điện nông thôn của tỉnh đã từng bước được cải thiện, cơ bản đảm bảo chất lượng lưới điện. Đáng lưu ý, tổn thất điện năng lưới điện giảm từ 20-30% xuống còn 10%; có 708 trạm biến áp đạt chuẩn, 600km đường dây trung thế, 2.200km đường dây hạ thế.
Vĩnh Phúc huy động nguồn vốn lớn hoàn thiện lưới điện nông thôn |
Dù vậy, theo đại diện Sở Công Thương Vĩnh Phúc, việc tiếp cận vốn phát triển lưới điện khi cần đầu tư vẫn rất khó khăn, nhất là khi nhu cầu sử dụng của tỉnh được dự báo sẽ tăng cao trong thời gian tới.
Cùng đó, việc đảm bảo chất lượng tiêu chí số 4 của tỉnh về lâu dài sẽ gặp khó khăn do đường dây sau công tơ về nhà dân thuộc khu vực trung du miền núi thường kéo dài, người dân ít có điều kiện mua cột bê tông về dựng để đỡ dây; hành lang lưới điện sau 1 thời gian lại bị vi phạm do cây cối phát triển. Đặc biệt, một số xã vẫn còn bị lộ đường dây 0,4kv dài gấp 2 quy định và phải bổ sung trạm biến áp.
Với những tồn tại trên, ngành Công Thương Vĩnh Phúc đã xây dựng kế hoạch khắc phục, đồng thời bảo đảm chất lượng tiêu chí số 4 tại các xã đã hoàn thành trong giai đoạn sau năm 2020.
Về cơ bản các xã đã đạt chuẩn về điện, do đó chỉ cần đầu tư bổ sung hàng năm theo quy hoạch; nâng cấp cải tạo hệ thống lưới điện hạ thế theo nhu cầu phụ tải. Các đơn vị bán lẻ điện tập trung nguồn vốn để nâng cấp đường dây. Ngành điện của tỉnh có kế hoạch bổ sung trạm biến áp theo quy hoạch đối với các xã có bán kính cấp điện từ trạm biến áp đến khách hàng dài từ 1,2-2,5km. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm an toàn và thực hiện đồng bộ quy hoạch điện.
Nguồn: báo Công thương