Kết quả khả quan
Năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, dù còn nhiều khó khăn nhưng các Sở Công Thương khu vực Bắc Trung bộ đã thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước; sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại đều tăng trưởng khá, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế của các tỉnh trong khu vực. Cơ cấu công nghiệp có bước chuyển tích cực, tăng dần tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm tỷ trọng công nghiệp khai khoáng...
Sản phẩm trưng bày bên lề Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa, dịch vụ tỉnh Nghệ An năm 2018 được đánh giá cao |
Cụ thể, năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp (GSS năm 2010) toàn khu vực đạt 257.467 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2017. 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 146.990 tỷ đồng, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm 2018. Các sản phẩm công nghiệp chủ yếu ước tăng so với cùng kỳ năm 2018: Xi măng đạt 14.267 nghìn tấn ,tăng 9,3%, bia 157.125 nghìn lít, tăng 6,6%; sữa 138.539 nghìn lít, tăng 17,2%; tôn, thép các loại 39.327 nghìn tấn, tăng 130,3%; sợi 50,3 nghìn tấn, tăng 2,2%; phân bón 236,4 nghìn tấn, tăng 6,7%...
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ khu vực Bắc Trung bộ năm 2018 đạt 304.492 tỷ đồng, tăng 12,5% so với năm 2017. 6 tháng đầu năm ước đạt 163.923 tỷ đồng, tăng 112,9% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, một số tỉnh chiếm tỷ trọng cao/toàn khu vực và tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2018: Thanh Hóa chiếm 32,57%, tăng 14,5%; Nghệ An chiếm 23,31%, tăng 14%…
Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2018 đạt 5,797 tỷ USD, tăng 37,9% so với năm 2017. Có 2 địa phương có kim ngạch trên 1 tỷ USD là Thanh Hóa: 2,765 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 47,7%/ toàn khu vực; Nghệ An: 1,050 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 18,11%. Các địa phương có mức tăng trưởng cao so với năm 2017: Hà Tĩnh tăng 206,6%; Thanh Hóa tăng 47,5%; Quảng Trị tăng 21,5%. 6 tháng đầu năm 2019 tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3,592 tỷ USD, tăng 46,6% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, riêng Thanh Hóa chiếm tỷ trọng 50,02%/toàn khu vực. Có 3/6 địa phương tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2018: Quảng Trị tăng 79,5%; Hà Tĩnh tăng 77,2%; Thanh Hóa tăng 63,7%.
Tổng kim ngạch nhập khẩu khu vực Bắc Trung bộ năm 2018 đạt 7,556 tỷ USD, tăng 206,8% so với năm 2017. 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 5,091 tỷ USD, tăng 98,5% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó 2 địa phương chiếm tỷ trọng cao trong toàn khu vực: Thanh Hóa chiếm 54,02%; Hà Tĩnh chiếm 28,95%...
Công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, quảng bá thương hiệu được đẩy mạnh; thực hiện tốt Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; các phiên chợ hàng Việt về nông thôn, miền núi được chú trọng để từng bước mở rộng thị trường trong nước…
Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động của ngành Công Thương khu vực Bắc Trung bộ còn gặp không ít khó khăn: Khả năng cạnh tranh của nhiều sản phẩm còn thấp. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng nhưng chưa bền vững, chủ yếu chế biến thô sơ, gia công, lắp ráp. Số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động có xu hướng tăng lên. Ngoài ra, kênh lưu thông phân phối, tiêu thụ hàng hóa tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, miền núi mặc dù đã có sự quan tâm nhưng vẫn còn yếu…
Tập trung gỡ khó, thúc đẩy liên kết
Để có thể hoàn thành được nhiệm vụ trong những tháng cuối năm, các tỉnh trong khu vực cần tập trung mọi nỗ lực để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp, cần tập trung thực hiện quản lý tốt các quy hoạch đã được phê duyệt; nâng cao hiệu quả công tác xây dựng kế hoạch, đề án phát triển ngành Công Thương; đẩy nhanh tiến độ và giám sát chặt chẽ các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án trọng điểm chậm tiến độ và các dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2019; tăng cường công tác thu hút đầu tư để lấp đầy các cụm công nghiệp, kêu gọi các nhà đầu tư là doanh nghiệp tham gia kinh doanh hạ tầng và các cụm công nghiệp đã được phê duyệt.
Công nghiệp Nghệ An có sự tăng trưởng tích cực |
Về thương mại, cần tích cực và chủ động phối hợp với các bộ, ngành triển khai các giải pháp, đề án trong Chương trình hành động thực hiện các nhiệm vụ tại Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu, chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại; triển khai giải pháp đẩy mạnh đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại dịch vụ theo quy hoạch, đặc biệt chú trọng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại trọng điểm; nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp tăng cường quảng bá, giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu của địa phương thông qua các hội chợ triển lãm, sàn giao dịch thương mại điện tử; phối hợp thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, vận chuyển gia súc, gia cầm nhập lậu.
Trong liên kết vùng, các địa phương cần tăng cường, linh hoạt trong công tác phối hợp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đặc biệt là quy hoạch và thu hút đầu tư; thực hiện các giải pháp đẩy mạnh việc tìm kiếm thị trường, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, giảm hàng tồn kho, tăng cường xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu; đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, khai thác được lợi thế tiềm năng của từng tỉnh để bổ sung, hỗ trợ cho nhau, qua đó, hình thành chuỗi giá trị khu vực; tích cực nâng cao hơn nữa hiệu quả Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" do Bộ Chính trị phát động, chú trọng tăng cường tuyên truyền vận động và nâng cao nhận thức của nhân dân về hàng Việt Nam, qua đó, giúp các doanh nghiệp trong nước tiêu thụ sản phẩm đẩy mạnh phát triển sản xuất. Thông qua các hoạt động này, hàng hóa có chất lượng, mẫu mã đẹp được sản xuất trong nước đến với người tiêu dùng kịp thời, với mức giá hợp lý, góp phần bảo đảm quyền lợi, chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa.