Truy quét sản phẩm giả mạo nhãn mác
Tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ thời gian qua vẫn diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế, phá hoại và ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư, sức khỏe con người, triệt tiêu sáng tạo của các doanh nghiệp có uy tín thương hiệu trên thị trường.
Những ngày đầu tháng 7, lực lượng QLTT tiến hành truy quét một loạt các trung tâm thương mại, chợ lớn ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh… Điển hình như Trung tâm thương mại Sài Gòn Square và chợ Bến Thành (TP. Hồ Chí Minh), là 2 địa điểm nằm trong “cao điểm” truy quét hàng hóa nhập lậu, giả mạo nhãn hiệu. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã tạm giữ 1.834 sản phẩm là túi xách, ví, dây lưng, đồng hồ, bút, giày dép, quần áo, mũ có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Longchamp, Under Armour, Rolex, Bvlgari, Chopard, Patek Philippe, Hermes, Franck Muller, Audermars Piguet, Montblanc, MCM, Burberry, Chanel.
Lực lượng QLTT tăng cường các giải pháp giám sát thị trường |
Tổng cục QLTT cũng phối hợp với các cơ quan chức năng đột xuất kiểm tra và thu giữ nhiều hàng hóa có dấu hiệu vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tại hai trung tâm mua sắm lớn ở Quảng Ninh. Tại đây, lực lượng chức năng ghi nhận nhiều mặt hàng được bày bán như thuốc, mỹ phẩm, vàng bạc trang sức, đồ mỹ nghệ. Đặc biệt là đồng hồ, kính mắt, túi xách của các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Gucci, Louis Vuiton, Rolex, Omega… có giá bán từ vài trăm ngàn đồng tới vài trăm triệu đồng.
Trước đó, vào đầu tháng 7, gần 3.000 sản phẩm các loại như đồng hồ, kính mắt, quần áo giả các thương hiệu nổi tiếng như Hublot, Dior, Gucci…, cũng bị Đội QLTT số 14, Cục QLTT Hà Nội thu giữ tại chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội). Theo lực lượng QLTT, tại thời điểm kiểm tra, tất cả số hàng hóa trên đều không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, không có đăng ký kinh doanh.
Sẽ triển khai nhiều chuyên đề trọng điểm
Mặc dù đạt những kết quả nhất định, nhưng theo nhận định của Tổng cục QLTT, công tác phòng, chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Đó là phương thức, thủ đoạn vi phạm ngày càng tinh vi:, trong khi đó, đối tượng vi phạm khá đa dạng. Các đối tượng vi phạm trong nước móc nối với các đối tượng ở nước ngoài để làm hàng giả, nhất là giả mạo xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đưa vào Việt Nam.
Mặc khác, hiện nay nhiều cơ quan thực thi có thẩm quyền xử lý hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, tuy nhiên việc phân công chưa hợp lý dẫn đến chức năng nhiệm vụ chồng chéo.
“Đặc biệt, một số doanh nghiệp, chủ thể quyền bị xâm phạm chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm với cộng đồng, với sản phẩm đang lưu thông trên thị trường, chưa tích cực hợp tác với lực lượng chức năng” - ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục QLnhìn nhận.
Thời gian tới, lực lượng QLTT sẽ tăng cường thực thi các giải pháp giám sát thị trường, chủ động thu thập thông tin, đánh giá thị trường để xây dựng phương án đấu tranh chuyên đề. Bên cạnh đó, tập trung nguồn lực, chủ động phối hợp để triển khai các chuyên đề trọng điểm, nổi cộm nhằm tạo hiệu ứng tích cực trên thị trường. Đồng thời, gia tăng hợp tác với các hiệp hội, ngành nghề, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong công tác chia sẻ, cung cấp thông tin và hỗ trợ kiểm tra, xử lý vi phạm về hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Ngày 24/1/2018, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 334/QĐ-BCT phê duyệt Kế hoạch đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo xuất xứ tại các địa bàn trọng điểm đến hết năm 2020. |