Tham dự Tuần lễ hàng Đà Lạt – Lâm Đồng tại siêu thị Aeon có 33 đơn vị là các doanh nghiệp, nhà cung cấp trong các lĩnh vực nông sản – thực phẩm như rau - củ - quả, trà, cà phê, ca cao, các loại hạt dinh dưỡng, thảo dược, nước ép và các sản phẩm thực phẩm khác của Đà Lạt – Lâm Đồng tham gia từ ngày 8– 14/7/2019.
Bà Cao Thị Thanh – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng - cho biết, mục đích của chương trình là quảng bá, giới thiệu những mặt hàng nông sản, thực phẩm chất lượng cao xuất xứ Đà Lạt nói riêng và Lâm Đồng nói chung đến với khách hàng của Aeon Việt Nam, đồng thời thúc đẩy cơ hội hợp tác giữa Aeon Việt Nam và các doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng.
Bà Cao Thị Thanh – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng phát biểu khai mạc |
Bà Cao Thị Thanh đánh giá, trong những năm qua, Sở Công Thương Lâm Đồng và Công ty TNHH AEON Việt Nam đã có nhiều chương trình hợp tác kết nối giao thương, đặc biệt là trong việc thúc đẩy tiêu thụ nông sản. Nhiều mặt hàng xuất xứ Đà Lạt – Lâm Đồng đã có mặt tại hệ thống siêu thị của Aeon Việt Nam. Trong thời gian tới, Sở Công Thương Lâm Đồng mong muốn được thúc đẩy sự kết nối này để lan tỏa trên thị trường trong nước và tiến tới xuất khẩu các loại đặc sản của địa phương thông qua kênh của Aeon Việt Nam. Sau buổi khai mạc, đã có 9 nhà cung cấp thuộc các lĩnh vực trà, trái cây sấy, đông trùng hạ thảo, mật ong, và rượu đã được Aeon Việt Nam xem xét để làm việc, bàn kế hoạch hợp tác đưa hàng vào siêu thị Aeon trong thời gian tới.
Hợp tác xã (HTX) Dược Liệu Như ý giới thiệu với người tiêu dùng tại TP. Hồ Chí Minh |
Tuần lễ hàng Đà Lạt – Lâm Đồng tại siêu thị Aeon, Hợp tác xã (HTX) Dược Liệu Như Ý giới thiệu với người tiêu dùng TP. Hồ Chí Minh các loại trà túi lọc sản xuất từ các loại dược liệu quý như đương quy, hoàng kỳ, đan sâm... có chức năng hỗ trợ sức khỏe cho người tiêu dùng. Bà Đinh Thị Thi - Giám đốc HTX Như Ý cho biết, từ các dược liệu do xã viên trồng cùng với kinh nghiệm của cha ông, những túi trà thanh nhiệt đã được một số công ty dược thu mua, phân phối trên thị trường. Bước đầu, người tiêu dùng đã phản ứng tích cực khi doanh số của HTX tăng lên và có thêm nhiều hợp đồng tiêu thụ mới.
Các sản phẩm Công ty Đông trùng hạ thảo Đan Ngọc đã được tiêu thụ rộng tại nhiều thành phố lớn trên cả nước |
Nhiều loại rau của Đà Lạt đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP |
Công ty Đông trùng hạ thảo Đan Ngọc giới thiệu với người tiêu dùng các sản phẩm đông trùng hạ thảo sấy khô, trộn với rượu, mật ong, có tác dụng bồi bổ sức khỏe. Đại diện Công ty Đan Ngọc - bà Lê Đặng Thảo Nguyên cho biết, các sản phẩm đông trùng hạ thảo do Đan Ngọc sản xuất có sự khác biệt so với cùng loại trên thị trường là được sản xuất từ bào tử nấm nhập khẩu từ Nhật Bản và nuôi cấy trên cá thể nhộng tằm Lâm Đồng, nhờ đó sản phẩm đã được tiêu thụ rộng tại nhiều thành phố lớn trên cả nước.
Ông Nguyễn Ngọc Hoàng - Giám đốc HTX Cà phê chất lượng cao Di Linh trình làng người tiêu dùng thành phố các loại cà phê nguyên chất, chế biến theo phương thức truyền thống; bột và dầu dinh dưỡng sạch; các loại trà thảo mộc, thảo dược. Ông Hoàng nói rằng, thông qua tuần lễ hàng Đà Lạt - Lâm Đồng tại Aeon, người tiêu dùng thành phố sẽ nhận rõ sự tinh túy của nguyên liệu được tạo ra bởi tinh hoa của người trồng tỉa, chế biến.
Nhiều loại cà phê mới được các doanh nghiệp, HTX giới thiệu dịp này |
Hiện Lâm Đồng đang là tỉnh có diện tích chè lớn nhất nước, là vùng sản xuất cà phê lớn thứ 2 của Việt Nam. Lâm Đồng hiện đang xây dựng và phát triển thương hiệu địa phương “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” cho các sản phẩm đặc trưng của tỉnh, với mục tiêu là lựa chọn, tôn vinh và giới thiệu những sản phẩm chất lượng, uy tín đến người tiêu dùng. Theo bà Cao Thị Thanh, nhờ vị trí địa lý đặc biệt, Lâm Đồng sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế đặc thù so với các địa phương khác trong phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao. Nông sản là mặt hàng có thế mạnh và là mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Đà Lạt - Lâm Đồng, với các sản phẩm nổi tiếng như chè, cà phê, rau, các loại hạt dinh dưỡng, các loại thảo dược...
Lâm Đồng hiện đang xây dựng và phát triển thương hiệu địa phương “Đà Lạt –kết tinh kỳ diệu từ đất lành” cho các sản phẩm đặc trưng của tỉnh |
Hiện đã có 235 đơn vị được tôn vinh thương hiệu “Đà Lạt – kết tinh kỳ diệu từ Đất Lành”. Riêng đối với rau, có 209 tổ chức, cá nhân được cấp giấy chứng nhận VietGAP với tổng diện tích 1.717 ha; diện tích sản xuất theo GlobalGAP là 21 ha, 1 công ty chứng nhận Organic với diện tích 4 ha. Cà phê arabica Đà Lạt đã được cung cấp cho Starbucks, mặt hàng chè O long được xuất đi nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, các nước Châu Âu.
Nguồn: Báo Công thương