Bạn đang ở đây

Thị trường bán lẻ: Sức vươn của doanh nghiệp nội

10/07/2019 08:54:16

Nắm bắt lợi thế

10 năm trước đây, theo các cam kết hội nhập, thị trường bán lẻ nước ta chính thức mở cửa. Thời điểm đó, có nhiều ý kiến cho rằng việc mở cửa thị trường trong bối cảnh hệ thống phân phối bán lẻ nước ta rất non trẻ sẽ dễ bị các DN nước ngoài có tiềm tực tài chính cũng như kinh nghiệm thương trường lấn át. Tuy nhiên, thực tế chứng minh, thị trường và DN bán lẻ Việt đều phát triển rất mạnh mẽ.

Cụ thể, thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, giai đoạn từ năm 2015 - 2017, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tăng so với năm trước từ 10,5-10,9%. Năm 2018, đạt gần 4,4 triệu tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm 2017; 6 tháng đầu năm 2019, đạt 2.391.136 tỷ đồng, tăng 11,48% so với cùng kỳ năm 2018.

thi truong ban le suc vuon cua doanh nghiep noi
Hệ thống siêu thị Co.opmart ngày càng được mở rộng

Sức vươn của các DN bán lẻ Việt cũng khá mạnh mẽ khi nhiều đại gia bán lẻ nước ngoài cũng phải nhường miếng bánh thị phần cho các kênh bán lẻ trong nước. Cụ thể như chuỗi Saigon Co.op nhận chuyển giao tất cả các hoạt động của Auchan và Vingroup mua lại toàn bộ 87 cửa hàng tiện lợi Shop&Go.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam - chia sẻ, trước đây, nhiều người cho rằng với sự phát triển hết sức mạnh mẽ của bán lẻ hiện đại thì hình thức bán lẻ truyền thống, các cửa hàng nhỏ lẻ có thể sẽ bị phá sản hoặc bị ảnh hưởng rất nặng nề. Tuy nhiên, tiểu thương, những người bán lẻ truyền thống cũng rất nỗ lực cạnh tranh với các phương thức bán lẻ hiện đại. Nhờ vậy, đến thời điểm này, bán lẻ truyền thống vẫn chiếm đại đa số thị trường bán lẻ Việt Nam với khoảng 80%. Các DN bán lẻ Việt cũng giữ vững vị trí trên thị trường.

Đầu tư cho bán hàng đa kênh

Theo nghiên cứu của Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Việt Nam, hiện nay, nhiều người tiêu dùng có xu hướng mua sắm đa kênh, kể cả trực tiếp và qua các ứng dụng trên internet. Điều này đòi hỏi các nhà bán lẻ phải có các mô hình bán lẻ khác nhau để đáp ứng nhu cầu của họ.

Cụ thể, người tiêu dùng có thể tìm kiếm thông tin sản phẩm trên mạng rồi ra cửa hàng để mua hoặc ngược lại. Mỗi phân phúc người mua sắm cũng sẽ lựa chọn một số loại hình khác nhau để có trải nghiệm mua sắm tốt, tiện lợi hơn. Bắt kịp xu thế, mới đây, Vinmart đã ra mắt mô hình siêu thị ảo Scan&Go nhằm đáp ứng nhu cầu này.

Theo ông Vũ Vinh Phú - chuyên gia bán lẻ, sự phát triển của công nghệ thông tin được áp dụng rộng rãi sẽ đem lại năng suất lao động cao cho các nhà bán lẻ, đồng thời thay đổi những hành vi mua sắm của người tiêu dùng xã hội. Các nhà bán lẻ cần sớm nhận biết vấn đề này để sử dụng những công nghệ tiên tiến vào quản lý kinh doanh.

Chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú:
Giai đoạn tới là giai đoạn của bán hàng đa kênh, cả bán hàng trực tiếp và bán hàng online hay mô hình shopping mail, vừa bán hàng vừa có các dịch vụ tổng hợp như vui chơi, ăn uống, làm đẹp…

Nguồn: Báo Công thương