Trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương và Tổng cục Quản lý thị trường, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) cả nước đã tiến hành kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu và đã đạt được một số kết quả nhất định. Gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin Bộ Công an phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương triệt phá đường dây sản xuất xăng giả. Các đối tượng sử dụng thủ đoạn tinh vi, mua dung môi pha với xăng, hoà với chất tạo mầu nhằm tăng khối lượng xăng A95 bán ra thị trường, gây ảnh hưởng đến hiệu suất động cơ, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao.
Để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi sản xuất xăng giả, Tổng cục QLTT yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố thực hiện các công việc, cụ thể:
1. Thực hiện nghiêm Kế hoạh số 410/KH-BCDD389 ngày 14 tháng 6 năm 2017 của Ban chỉ đạo 389 quốc gia và Kế hoạch số 6235/KH-BCT ngày 12 tháng 7 năm 2017 của Bộ Công Thương về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu nhằm ổn định trật tự trong kinh doanh xăng dầu, chống thất thu thuế và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
2. Đề xuất, tham mưu cho Ban chỉ đạo 389 địa phương chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường kiểm tra, lấy mẫu của các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh; chú trọng đến kiểm định, kiểm tra, kiểm soát về đo lường, chất lượng hàng hoá. Nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm kinh doanh xăng dầu giả thì phối hợp xác minh, làm rõ hành vi, quy mô, đối tượng, đường dây, ổ nhóm để xử lý triệt để, chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan tố tụng hình sự có thẩm quyền để truy cứu trách nhiệm hình sự.
3. Chỉ đạo các Đội QLTT, tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra việc chấp hành các quy định trong kinh doanh xăng dầu. Đối tượng kiểm tra là các đơn vị xuất, nhập khẩu xăng dầu, tổng đại lý, đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu, các hộ kinh doanh xăng dầu tự phát; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu; kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi giấy phép theo quy định; đồng thời giám sát chặt chẽ các cửa hàng xăng dầu đã bị thu hồi giấy phép.
4. Phối hợp với các phương tiện truyền thông tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng không mua xăng dầu tại các điểm kinh doanh trái phép; tuyên truyền các chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu; công bố công khai các cửa hàng xăng dầu vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật để người tiêu dùng biết, giám sát, tự bảo vệ, góp phần cùng các cơ quan chức năng chống các hành vi kinh doanh gian lận trong các mặt hàng xăng dầu.
Tổng cục QLTT cũng yêu cầu các Cục QLTT triển khai ngay và báo cáo kết quả thực hiện về Tổng cục QLTT. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị báo cáo kịp thời về Tổng cục để thống nhất chỉ đạo.
Nguồn: TTT Bộ Công Thương