"Miếng bánh" thị trường lớn
TMĐT tăng rất nhanh ở Việt Nam trong những năm gần đây, với tốc độ tăng trưởng ở mức 25 - 30% mỗi năm, thuộc hàng nhanh nhất khu vực. Nếu như năm 2007, thị trường mua bán hàng trực tuyến chưa có nhiều thì đến nay theo thống kê của Hiệp hội TMĐT, mỗi ngày có trên 60 nghìn đơn hàng được giao dịch trên 4 sàn TMĐT lớn nhất tại thị trường Việt Nam. Năm 2018, tổng giá trị giao dịch đã đạt 8 tỷ USD, tuy nhiên chủ yếu phương thức thanh toán vẫn là tiền mặt.
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) - cho biết, hiện chỉ có 3-5% lượng giao dịch sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt, với tỷ lệ thanh toán trực tuyến chiếm tỷ trọng rất thấp, đến 80% khách hàng hiện vẫn dùng phương thức nhận hàng trả tiền (COD), hình thức trung gian thanh toán qua các website TMĐT chỉ chiếm 8%.
Những ứng dụng thanh toán mang lại nhiều tiện lợi |
Trong khi đó, theo thống kê từ Ngân hàng Thế giới (WB), tỷ lệ giao dịch phi tiền mặt tại Trung Quốc là 26,1%, Thái Lan là 59,7% và Malaysia là 89%. Lý giải nguyên nhân trên, theo ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) - do nhiều người vẫn giữ thói quen dùng tiền mặt, dù rằng áp dụng công nghệ, những ứng dụng thanh toán, mang lại sự tiện lợi hơn rất nhiều.
Một vấn đề đang tồn tại trong TMĐT chính là lòng tin của khách hàng, dẫn đến việc họ vẫn ưa chuộng giao hàng COD. "Những nền tảng TMĐT bán hàng không đúng quảng cáo, mẫu mã yêu cầu khiến khách hàng không thực hiện thanh toán trước" - ông Phạm Tiến Dũng nói.
Thực tế, hiện có nhiều website giả mạo doanh nghiệp uy tín để cung cấp thông tin sai lệch về hàng hóa, dịch vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người tiêu dùng.
Tạo điều kiện cho thanh toán điện tử
Không chỉ có người tiêu dùng "e ngại" khi giao dịch phi tiền mặt, theo ông Đào Minh Tuấn - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam - một số doanh nghiệp tại Việt Nam cũng ngại chấp nhận phương thức thanh toán mới. Đồng thời, các chính sách khuyến khích đối với các thành phần tham gia cũng chưa nhiều.
"Chính phủ cần đưa ra những hành lang pháp lý, thể chế để xây dựng niềm tin của người tiêu dùng trong TMĐT, thúc đẩy phương thức thanh toán không dùng tiền mặt" - bà Nguyễn Thị Thanh Huyền nhấn mạnh.
Muốn thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, theo nhiều chuyên gia kinh tế, không chỉ thay đổi thói quen của người dùng, đẩy mạnh các kênh thanh toán trực tuyến mà nhà nước cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để người dân thuận tiện sử dụng. Đồng thời, nhà nước cần trở thành người mua lớn nhất (mua sắm chính phủ qua đấu thầu trực tuyến) và cung cấp dịch vụ công trực tuyến thu phí…
Thời gian tới, Cục TMĐT và Kinh tế số sẽ xem xét sửa đổi nghị định nhằm tạo hành lang pháp lý cho TMĐT phát triển hơn. Tăng cường công tác chống hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời, xây dựng và trình chính phủ ban hành Chương trình tổng thể phát triển TMĐT đến năm 2025. |