Bạn đang ở đây

Tiêu thụ tôn, thép trong tháng 5 sụt giảm mạnh

14/06/2019 14:36:29

Cụ thể, tiêu thụ thép thô của các doanh nghiệp là thành viên của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) trong tháng 5 đạt 1.390.041 tấn, tăng 4% so với tháng 4 và tăng 24% so với cùng kỳ năm 2018.

tieu thu ton thep trong thang 5 sut giam manh
Ảnh minh họa

Nếu tính chung 5 tháng đầu năm 2019, sản lượng thép thô tiêu thụ đạt 6.354.277 tấn, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2018.

Tuy nhiên, nếu tính riêng sản phẩm thép xây dựng thì tiêu thụ trong tháng 5 chỉ đạt 916.519 tấn, giảm nhẹ 0,7% so với tháng 4, nhưng so với cùng kỳ năm 2018 lại giảm tới 12,4%. Theo dự báo, trong vòng 1 đến 2 tháng tới, bước vào mùa mưa nên sản lượng thép xây dựng tiêu thụ sẽ còn giảm tiếp, kết quả đó sẽ gây thêm nhiều áp lực cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thép xây dựng. Không những vậy, sự cạnh tranh trong nước sẽ ngày càng gay gắt do các đơn vị mới sắp đưa vào hoạt động như thép Hòa Phát - Dung Quất, thép Tung Hoo, thép Nghi Sơn.

Đối với sản phẩm thép cuộn cán nóng, tháng 5/2019 tiêu thụ đạt 372.680 tấn, tăng 1,26% so với tháng trước và tăng 31,4% so với cùng kỳ năm 2018. Có thể nói, sản phẩm thép cuộn cán nóng đang là lợi thế rất lớn khi không chỉ sản xuất mà tiêu thụ cũng tăng trưởng rất cao. Nguyên nhân bởi các doanh nghiệp trong nước gần như chưa sản xuất được và chủ yếu là Formosa sản xuất, cung cấp ra thị trường.

Đi ngược với thép cuộn cán nóng là thép cuộn cán nguội, từ đầu năm tới nay, sức tiêu thụ ì ạch, giảm rất nhiều so với cùng kỳ năm 2018. Nếu tính trong tháng 5/2019, tiêu thụ chỉ đạt 183.868 tấn, giảm tới 22,41% so với tháng trước, trong đó xuất khẩu đạt 69.045 tấn, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước.

Đối với sản phẩm tôn mạ kim loại và sơn phủ màu, tháng 5 tiêu thụ 300.187 tấn, giảm nhẹ 2,83% so với tháng 4 và giảm 18,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong số sản lượng tôn tiêu thụ thì dẫn đầu vẫn là tôn Hoa Sen chiếm tới 31% thị phần, tôn Đông Á chiếm 18,4%, tôn Nam Kim chiếm 13,8%...

Sản phẩm ống thép hàn, những tháng trước đây tiêu thụ sụt giảm thì nay lại cân đối được sức bật tăng trưởng. Theo đó, tiêu thụ trong tháng 5 đạt 224.315 tấn, tăng 11,92% so với tháng trước, nhưng so với cùng kỳ năm 2018 lại giảm 1,7%. Trong đó, xuất khẩu đạt 29.200 tấn, tăng 58,48% so với tháng 4 và tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2018.

Mặc dù tiêu thụ tôn và thép xây dựng giảm mạnh - đây lại là 2 sản phẩm chủ lực của các doanh nghiệp sản xuất trong nước, song, hàng nhập khẩu lại gia tăng chóng mặt. Nếu tính trong 4 tháng đầu năm 2019, Việt Nam nhập khẩu thép thành phẩm các loại tới 4,8 triệu tấn, trong đó sản phẩm thép dài chiếm 425.000 tấn, tăng tới 51,3%; thép hình chiếm 83.000 tấn, tăng 23%. Riêng trong tháng 4, lượng tôn mạ kim loại và sơn phủ màu nhập khẩu tăng 24%, trong đó tôn màu tăng 55%, tôn mạ kẽm khoảng 25%. Đáng chú ý, sản lượng nhập khẩu cao nhất vẫn là từ Trung Quốc, chiếm tới 39,1%; Hàn Quốc 14,44%... Từ kết quả trên cho thấy, sức ép tiêu thụ sản phẩm tôn, thép trong nước sụt giảm mạnh trong thời gian gần đây do tác động mạnh từ việc nhập khẩu về nhiều, một phần thêm sản phẩm từ doanh nghiệp mới đầu tư, doanh nghiệp mở rộng…

Theo dự báo của các chuyên gia ngành thép, cứ đà này thời gian tới sức bật trong tiêu thụ của ngành thép là hoàn toàn không thể, thậm chí khó khăn còn kéo dài cho các năm tới. Mặc dù được biết các doanh nghiệp sản xuất tôn, thép trong nước đã tiết giảm chi phí tối đa, hiện đại hóa công nghệ… nhưng không tránh khỏi sức ép của hàng nhập khẩu với giá rẻ.

Để tạo điều kiện và công bằng cho doanh nghiệp sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu, các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công Thương đã và đang rất quan tâm đưa ra các cơ chế, chính sách áp dụng quản lý thương mại cho hàng nhập khẩu.