Theo đó, Bộ Công Thương đã khẩn trương kiểm tra thông tin, đánh giá vụ việc và sẽ phối hợp với các Bộ/ngành, hiệp hội và doanh nghiệp liên quan làm rõ, xây dựng phương án xử lý, trao đổi và phối hợp với phía Hoa Kỳ để bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của ngành nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu tôm của Việt Nam.
Hiện nay, vụ việc mới chỉ ở giai đoạn nguyên đơn gửi yêu cầu. Theo quy định của Hoa Kỳ, trong trường hợp đơn kiện là đầy đủ và hợp lệ, CBP sẽ xem xét có tiến hành khởi xướng điều tra vụ việc hay không. Nếu khởi xướng điều tra, CBP sẽ có khoảng thời gian là 365 ngày để tiến hành thu thập chứng cứ, phân tích, đánh giá, đưa ra kết luận cuối cùng với vụ việc.
Từ năm 2016, căn cứ phán quyết của Cơ quan giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại thế giới, Hoa Kỳ đã dỡ bỏ lệnh áp thuế chống bán phá giá, không tiến hành rà soát hàng năm biện pháp chống bán phá giá với sản phẩm tôm xuất khẩu của Công ty Minh Phú.
Trước đó, Công ty Thủy sản Minh Phú cũng đã có thông tin gửi đến các cơ quan báo chí. Cụ thể, ngày 5/6/2019, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú mới nhận được thông tin về việc Ngài Darin LaHood, Nghị sỹ Hoa Kỳ đã gửi thư yêu cầu Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ (CBP) tiến hành điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá đối với Tập đoàn Minh phú. Yêu cầu này được đưa ra dựa trên thông tin từ một thư điện tử tới Nghị sĩ LaHood, cáo buộc về việc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú có khả năng đã nhập khẩu tôm đông lạnh từ Ấn Độ, chế biến ở mức tối thiểu và xuất sang thị trường Hoa Kỳ với xuất xứ tôm Việt Nam.
Tuy nhiên, tới thời điểm này, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú vẫn chưa chính thức nhận được bất kỳ thông tin hay yêu cầu nào từ CBP hay bất kỳ cơ quan nào của Chính phủ Hoa Kỳ liên quan đến cáo buộc và yêu cầu nói trên và hoạt động xuất khẩu tôm vào Mỹ của công ty vẫn tiến hành thông quan bình thường.
Trong những năm trở lại đây, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đã không ngừng phát triển, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, từng bước phát triển các kênh phân phối nội địa. Do vậy, thực tế là tỷ trọng tôm xuất khẩu sang Hoa Kỳ của Tập đoàn đã giảm chứ không tăng, ví dụ như trong Quý I năm 2019, lượng tôm xuất khẩu sang Hoa Kỳ của Minh Phú chỉ đạt khoảng 33% trên tổng lượng xuất khẩu, giảm so với tỷ trọng trên 41% của năm 2015. Sự suy giảm này chứng tỏ rằng cho dù năm 2016 Minh Phú đã được bỏ lệnh áp thuế chống phá giá nhưng Minh Phú không hề đẩy mạnh xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ mà vẫn tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đặc biệt thị trường Châu Âu và các nước lân cận.
Về vấn đề sử dụng tôm nhập khẩu, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú có nhập khẩu từ Ấn Độ với một tỷ trọng nhỏ trong tổng lượng nguyên liệu để bổ sung nguyên liệu chế biến nhằm bù đắp cho sự thiếu hụt tôm nguyên liệu tại Việt Nam, ổn định công việc và thu nhập cho người lao động tại từng thời điểm do lượng thu hoạch tôm nguyên liệu có tính mùa vụ và phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết và các yếu tố tự nhiên khác. Tuy nhiên, lượng tôm nhập khẩu từ Ấn Độ chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ (khoảng 10%) trong tổng lượng tôm đầu vào sản xuất của Minh Phú. Cần lưu ý rằng, không chỉ trong lĩnh vực chế biến thủy sản, mà trong rất nhiều lĩnh vực khác, việc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào để bổ sung cho sự thiếu hụt nguyên liệu trong nước là một việc hết sức bình thường, phổ biến và hoàn toàn không vi phạm pháp luật của bất kỳ quốc gia nào.
Trong bối cảnh đó, dù CBP có khởi xướng điều tra hay không thì Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cũng hoàn toàn tự tin rằng Tập đoàn đã luôn nỗ lực trong việc tuân thủ pháp luật Hoa Kỳ, cũng như quy định của WTO. Việc sử dụng tôm nhập khẩu từ Ấn Độ không phải vì mục đích nhằm trốn tránh nghĩa vụ thuế chống bán phá giá áp dụng cho sản phẩm tôm Ấn Độ mà để đáp ứng sự gia tăng trong nhu cầu tôm chế biến từ các thị trường khác ngoài Hoa Kỳ và ổn định đời sống cho người lao động trong những thời điểm nguồn cung trong nước thiếu hụt.