Nông dân xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu thu hoạch lúa đông xuân. |
Trên cánh đồng thôn Trung tâm, xã Yên Bình, huyện Yên Bình, chị Nguyễn Thị Quang dừng tay gặt cho chúng tôi biết: "Vụ đông xuân năm nay, gia đình cấy 5 sào lúa bằng giống HT9. Thời tiết thuận lợi, lúa sinh trưởng và phát triển tốt, tuy nhiên, một số chân ruộng lúa nhiễm khô vằn và rầy nâu, gia đình tích cực theo dõi để có biện pháp phòng trừ kịp thời nên lúa vẫn đạt năng suất cao khoảng trên 2 tạ/sào".
Ông Lã Tuấn Hưng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện thông tin "Vụ này, toàn huyện đưa vào gieo cấy 2.137 ha lúa đông xuân, cơ cấu giống lúa lai chiếm 70% diện tích, chủ lực là các giống Nghi hương 305, TH 3-3, Việt lai 20, C.ưu đa hệ số 1, D.ưu 6511, CT 16, Nhị ưu 838, LY 2099, Kim ưu 725.
Vụ đông xuân 2018 - 2019 diễn ra trong điều kiện mùa đông ấm, nhiều rủi ro về thời tiết bất thường, sâu bệnh bùng phát mạnh. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt huyện, chính quyền các xã cùng với việc dự báo chính xác các đối tượng sâu bệnh nên bà con nông dân đã phòng trừ sâu bệnh một cách hiệu quả. Đến thời điểm này, toàn huyện đã thu hoạch 100% diện tích lúa đông xuân, năng suất dự kiến đạt 54,5 tạ/ha”.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ đông xuân 2018 - 2019, toàn tỉnh gieo trồng hơn 19.545 ha lúa đông xuân. Về cơ cấu giống, lúa lai chiếm 60% diện tích, diện tích còn lại là lúa thuần, lúa thuần chất lượng cao.
Theo đánh giá, vụ đông xuân 2018 - 2019 là vụ đông xuân ấm, nên đầu vụ ít chịu ảnh hưởng của rét đậm, rét hại. Nền nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm đã gây nhiều bất lợi cho sản xuất lúa, đặc biệt là sâu bệnh.
Vào thời điểm lúa đông xuân ở giai đoạn đứng cái, làm đòng, nắng và mưa xen kẽ, độ ẩm không khí cao khiến sâu bệnh rầy, đạo ôn, khô vằn bùng phát mạnh. Ngành đã làm tốt công tác điều tra, phát hiện, dự báo tình hình sâu bệnh hại cây trồng.
Nhờ phát hiện sớm và chỉ đạo phòng trừ kịp thời với tình hình thời tiết và sâu bệnh nên vẫn đảm bảo năng suất. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã thu hoạch được trên 14.796 ha/19.545 ha, đạt 75,7%. Diện tích chưa thu hoạch tập trung ở huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải, một số xã vùng thượng huyện Văn Chấn.
Đánh giá bước đầu, năng suất lúa đông xuân ước đạt 55 tạ/ha bằng cùng kỳ vụ đông xuân năm trước, sản lượng ước đạt 107.583 tấn, trong đó, sản lượng lúa chất lượng cao đạt khoảng 30.000 tấn. Một số huyện ước năng suất đạt khá cao: thị xã Nghĩa Lộ đạt 61,5 tạ/ha; Văn Chấn đạt 58,9 tạ/ha; Lục Yên đạt 56,5 tạ/ha; Văn Yên đạt 55,4 tạ/ha.
Được đánh giá là đảm bảo năng suất như vụ đông xuân trước, tuy nhiên, ở một số địa phương, nông dân gieo cấy sớm hơn so với lịch thời vụ, lúa phân hoá đòng, trỗ sớm gặp điều kiện nhiệt độ thấp dẫn đến năng suất thấp, thậm chí mất mùa.
Hiện nay, ngành nông nghiệp đang chỉ đạo các địa phương vận động nông dân tranh thủ thời tiết thuận lợi thu hoạch nhanh gọn diện tích lúa xuân theo phương châm "xanh nhà hơn già đồng” nhằm tránh thiệt hại do mưa bão gây ra đặc biệt tại các vùng thường xuyên xảy ra ngập lụt, lũ ống, lũ quét.
Đồng thời, yêu cầu phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn các huyện, thị xã, thành phố tập trung các giải pháp điều tiết nước, xác định bộ giống năng suất, chất lượng cao chuẩn bị đầy đủ, vật tư, phân bón sẵn sàng cho sản xuất vụ mùa.
Theo kế hoạch, vụ mùa năm nay toàn tỉnh sẽ gieo cấy 22.150 ha, năng suất 47,09 tạ/ha, sản lượng 104.310 tấn. Ngành nông nghiệp đề nghị các địa phương linh hoạt chỉ đạo cơ cấu giống cây trồng, ưu tiên sử dụng giống lúa thuần chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh; bố trí thời vụ gieo cấy trà lúa mùa sớm, thu hoạch trước 25/9 để triển khai sản xuất vụ đông.
Bên cạnh đó, cần chủ động phương án chuẩn bị giống lúa dự phòng, sẵn sàng khắc phục hậu quả thiên tai có thể xảy ra.