Bạn đang ở đây

Yên Bái: Toàn ngành giáo dục quyết tâm thực hiện Chương trình hành động số 144 của Tỉnh ủy

14/06/2019 13:34:41
Ông Vương Văn Bằng - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái.

Ông Vương Văn Bằng - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái.

 

Cùng với các cấp, các ngành, các địa phương, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Yên Bái đã xác định rõ các chỉ tiêu, nhiệm vụ, nội dung, tiến trình triển khai với quyết tâm cao thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ được giao. 

 

Phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với ông Vương Văn Bằng - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái về vấn đề này. 

 

P.V: Thưa ông! Chương trình hành động số 144 của Tỉnh ủy đã được ngành GD&ĐT tỉnh triển khai như thế nào? 

 

Ông Vương Văn Bằng: Ngay sau khi Tỉnh ủy có Chương trình hành động số 144, ngành đã xây dựng kế hoạch triển khai, tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2019, trước hết là triển khai quán triệt sâu sắc, rộng rãi trong cán bộ, công chức, viên chức tạo sự đồng thuận cao, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ. 

 

Thứ hai, ban hành Kế hoạch số 37/KH-SGDĐT, về việc triển khai thực hiện Chương trình hành động số 144 của Tỉnh ủy Yên Bái, trong đó xác định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, nhiệm vụ và các giải pháp thực hiện công tác GD&ĐT. 

 

Các mục tiêu đưa ra đều gắn với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, đồng thời, triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ theo Chương trình hành động số 144 của Tỉnh ủy đề ra. Thứ ba, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình hành động số 144 của Tỉnh ủy về các chỉ tiêu, nhiệm vụ GD&ĐT, phối hợp rà soát, sắp xếp đội ngũ, quy mô trường lớp, đầu tư cơ sở vật chất, thực hiện chế độ, chính sách với nhà giáo… để giải quyết khó khăn cho các cơ sở giáo dục. 

 

Tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra các đơn vị trường học, trong đó, có thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành tại một số đơn vị, cơ sở giáo dục; kiểm tra việc thực hiện công tác quản lý dạy học, công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục và trường chuẩn quốc gia…

 

P.V: Việc thực hiện bước đầu đã đạt những kết quả như thế nào, thưa ông?

 

Ông Vương Văn Bằng: Thực hiện nhiệm vụ GD&ĐT, đến nay, mạng lưới trường học đã được sắp xếp và phát triển phù hợp theo tình hình của tỉnh, hiện có 461 cơ sở giáo dục và dạy nghề. Riêng các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông có 442 trường với quy mô 6.557 lớp, 212.709 cháu mầm non, học sinh phổ thông. 

 

Cơ sở vật chất trường học tiếp tục được quan tâm đầu tư theo hướng hiệu quả và hiện đại, đáp ứng được yêu cầu đổi mới quản lý, đổi mới phương pháp dạy học. Có 6.245 phòng học mầm non và phổ thông, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 75,1%. 

 

Triển khai Đề án sắp xếp quy mô mạng lưới trường, lớp học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã sắp xếp giảm 127 trường, giảm 377 điểm trường; giảm 195 lớp, tăng trên 16.700 học sinh, tăng trên 9.400 học sinh bán trú. 180/180 đơn vị cấp xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học cấp độ I; 179/180 đơn vị cấp xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS cấp độ I; toàn tỉnh có 201 trường đạt chuẩn quốc gia. 

 

Công tác phân luồng học sinh sau giáo dục THCS và THPT đã có chuyển biến tích cực. Chất lượng giáo dục tiếp tục có những chuyển biến rõ rệt, nhất là giáo dục mũi nhọn. 

 

Năm học 2018 - 2019, có 708 học sinh đạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi, khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, quốc gia, trong đó có 682 giải cấp tỉnh, 26 giải cấp quốc gia. Đối với công tác giáo dục dân tộc, toàn tỉnh có 9 trường phổ thông dân tộc nội trú với 88 lớp, 2.963 học sinh, trong đó có 7 trường THCS, 64 lớp, 2.143 học sinh; 2 trường THPT, 24 lớp, 820 học sinh; học sinh người dân tộc thiểu số cấp THCS, THPT được học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú chiếm tỷ lệ 7,12%. Công tác xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Tổng số lao động hiện có đến 31/3/2019 là 13.631 người.

 

P.V: Trong quá trình triển khai thực hiện, ngành GD&ĐT tỉnh có gặp những khó khăn gì, thưa ông?

 

Ông Vương Văn Bằng: Hiện nay, so với định mức theo quy định của Bộ GD&ĐT, ngành GD&ĐT Yên Bái còn thiếu 1.832 người, trong đó, thiếu 761 giáo viên, 81 cán bộ quản lý, 963 nhân viên. 27 cán bộ văn phòng các phòng GD&ĐT. Bên cạnh đó, một số đơn vị phòng học diện tích nhỏ, chưa đạt chuẩn do đó ảnh hưởng đến chất lượng dạy học và đổi mới phương pháp; một số trường PTDTBT thiếu phòng ở hoặc phòng ở chưa đảm bảo diện tích, thiếu công trình vệ sinh, nhà tắm, thiếu công trình nước sạch phục vụ cho học sinh bán trú; thiết bị dạy học tối thiểu và một số thiết bị khác chưa đáp ứng được cho công tác dạy và học. Vì vậy, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học, đổi mới phương pháp, triển khai nhiệm vụ GD&ĐT của ngành.

 

P.V: Xin ông cho biết, ngành GD&ĐT tỉnh xác định những nhiệm vụ, giải pháp gì để hoàn thành thắng lợi kế hoạch đề ra của ngành cũng như mục tiêu Chương trình hành động số 144 của Tỉnh ủy? 

 

Ông Vương Văn Bằng: Để thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 144 của Tỉnh ủy, Sở GD&ĐT đã ban hành Kế hoạch số 37/KH-SGDĐT, trong đó, ngành phấn đấu, 215 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia; duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi tại 180 xã, phường, thị trấn đối với giáo dục mầm non, duy trì phổ cập giáo dục tiểu học mức độ III tại 180 xã, phường, thị trấn. 

 

Phấn đấu phổ cập giáo dục THCS mức độ I tại 180 xã, phường, thị trấn; phổ cập giáo dục THCS mức độ II tại 169 xã, phường, thị trấn; phổ cập giáo dục THCS mức độ III tại 69 xã, phường, thị trấn. Phấn đấu năm học 2019 - 2020, có trên 30 học sinh giỏi đạt giải cấp quốc gia; phấn đấu tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề đạt khoảng 20%, tốt nghiệp THPT đi học nghề và hệ thống cao đẳng chuyên nghiệp đạt trên 40%; đảm bảo đủ định mức giáo viên theo quy định, 5.198 người (4.773 giáo viên đạt trình độ cao đẳng trở lên; 4.773 giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp loại khá trở lên).

 

Để hoàn thành các chỉ tiêu này, ngành cũng đã đề ra 10 nhiệm vụ, giải pháp. Đó là, tiếp tục thực hiện Đề án sắp xếp quy mô mạng lưới trường, lớp học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 - 2020. 

 

Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn; đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT. 

 

Phân luồng 2.890 học sinh sau giáo dục THCS vào trung cấp, học nghề (22,8%), 2.888 học sinh sau giáo dục THPT vào cao đẳng, trung cấp, học nghề (42,3%). Đẩy mạnh xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia gắn với kế hoạch xây dựng nông thôn mới. Nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục. 

 

Tăng cường các giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trường học đáp ứng yêu cầu đổi mới. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, kế hoạch mua sắm thiết bị, công trình xây dựng cơ bản; đẩy mạnh xã hội hóa để đầu tư cho lĩnh vực giáo dục. 

 

Nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách đối với GD&ĐT. Tiếp tục thực hiện đổi mới, nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý giáo dục. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động của tỉnh, của ngành tạo nên tinh thần, khí thế tiến công vượt qua khó khăn thách thức để hoàn thành nhiệm vụ; xây dựng, phát hiện các mô hình, điển hình tiên tiến, nhân rộng thực hiện trong toàn ngành. Trước mắt, ngành tập trung chỉ đạo, tăng cường công tác tham mưu với UBND tỉnh, phối hợp với các sở, ngành, các địa phương tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2019 đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. 

 

P.V: Xin cảm ơn ông!