Thời gian qua, hoạt động của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh huyện Yên Bình (Agribank Yên Bình) gặp không ít khó khăn: các thành phần kinh tế phát triển chưa đồng đều; khả năng tích lũy vốn của các tổ chức, các thành phần kinh tế, cá nhân còn thấp; thu nhập bình quân đầu người ở mức trung bình; trên địa bàn huyện có nhiều tổ chức tín dụng làm công tác huy động vốn nên có sự cạnh tranh gay gắt...
Tuy nhiên, với mục tiêu đáp ứng cho nhu cầu vay vốn của các thành phần kinh tế, nhất là các hộ nông dân vay vốn đầu tư sản xuất, Agribank Yên Bình không những làm tốt việc huy động vốn mà còn là điểm sáng khi nợ xấu ở đơn vị này chỉ chiếm 0,18% trên tổng dư nợ hơn 1.275,6 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Agribank Yên Bình cho biết: xác định rõ chức năng và nhiệm vụ, đặc biệt là tập trung ưu tiên nguồn vốn để cho vay hộ sản xuất, kinh doanh, hộ nông dân theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, Agribank Yên Bình đã tích cực tuyên truyền, vận động các hình thức gửi tiền linh hoạt, thuận lợi để huy động vốn nhàn rỗi trong dân cư, các tổ chức kinh tế.
Không ngừng đổi mới phong cách phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng đến gửi tiền cũng như lĩnh tiền. Đồng thời, giao khoán chỉ tiêu huy động vốn cho cán bộ từ lãnh đạo đến nhân viên phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu huy động vốn đề ra.
Tính đến 31/3, Agribank Yên Bình đã huy động vốn tại địa phương 700 tỷ đồng, tăng 92 tỷ đồng so với cùng, trong đó, tiền gửi dân cư 687,7 tỷ đồng, đạt 103% kế hoạch; tổng dư nợ cho vay 1.275,6 tỷ đồng, so với cùng kỳ tăng 124 tỷ đồng; đặc biệt, tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm 0,18%/tổng dư nợ.
Có được tỷ lệ nợ xấu thấp như vậy, trước hết là số khách hàng sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả; đồng thời, Agribank Yên Bình luôn chú trọng nâng cao chất lượng thẩm định, nhất là dư nợ cho vay, thông qua các hội, đoàn thể.
Đến nay, Agribank Yên Bình có trên 9.000 khách hàng vay vốn, với 178 tổ vay vốn do hội nông dân, phụ nữ, trưởng thôn đảm nhiệm. Các tổ chức hội, đoàn thể này là cầu nối gần nhất với nông dân và thông qua ủy thác vay vốn của ngân hàng, các hội viên bình xét và được ngân hàng cấp vốn. Việc bình xét luôn dựa vào các yếu tố chính như: mục đích vay vốn, khả năng trả nợ...
Cùng đó, việc thẩm định, giám sát tiền vay được cán bộ tín dụng, các tổ chức hội kiểm tra chặt chẽ, góp phần làm giảm tỷ lệ nợ xấu.
Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Agribank Yên Bình tiếp tục tích cực tuyên truyền vận động các hình thức gửi tiền linh hoạt, thuận lợi để huy động vốn nhàn rỗi trong dân cư, các tổ chức kinh tế; đặc biệt, không ngừng đổi mới phong cách phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng đến giao dịch.
Cùng đó, Agribank Yên Bình mở rộng đầu tư cho vay đối với nông nghiệp nông thôn, nhất là các hộ nông dân thực hiện theo Nghị định 55 của Chính phủ; tiếp tục mở rộng các điểm giao dịch nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng vay vốn, trả nợ và sử dụng các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng; phát huy vai trò các tổ nhóm, mạng lưới ở cơ sở; tích cực xử lý nợ đến hạn, quá hạn và phấn đấu nợ xấu luôn dưới 1%; đáp ứng tốt nhu cầu về vốn phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đời sống của các thành phần kinh tế; từng bước nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Nguồn: Báo Yên Bái