Người dân không bị động
Thời điểm này, người dân huyện Lục Ngạn - vùng vải thiều lớn của tỉnh Bắc Giang nói riêng và của cả nước nói chung đang vào vụ thu hoạch vải sớm. Trò chuyện với phóng viên Báo Công Thương, bà Nguyễn Thị Hồng, thôn Kép 1, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn - cho biết, so với năm trước, sản lượng vải năm nay giảm do thời tiết bất thường nhưng chất lượng vải rất tốt. Dù là vải đầu mùa nhưng ngọt thơm, cùi dày và không bị sâu đầu nên bán được giá từ 35.000 - 55.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với năm trước.
Thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc sẽ giúp cho giá trị xuất khẩu quả vải tăng cao |
Nhiều năm qua, gia đình bà Hồng có sản lượng vải thiều xuất sang Trung Quốc khá cao.
Khi được hỏi về việc từ năm nay, quả vải xuất khẩu (XK) sang Trung Quốc phải đăng ký mã số vùng trồng, bà Hồng cũng như nhiều bà con xã Hồng Giang tỏ ra hết sức bình thường. Theo chia sẻ của bà con, thông qua buổi tuyên truyền, lớp tập huấn nên các hộ trồng vải ở đây đã nắm khá rõ quy định bắt buộc này và tuân thủ theo đúng quy định. “Nếu thực hiện được theo đúng yêu cầu này thì quá tốt, vì quả vải nơi khác không có cơ hội trà trộn với quả vải của Lục Ngạn. Hơn thế, khi đủ điều kiện để XK theo đường chính ngạch thì giá trị của quả vải cao hơn rất nhiều so với thu mua như hiện nay” - bà Hồng nói.
Chính quyền luôn đồng hành
Theo ông Cao Văn Hoàn - Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, thực hiện quy định dán tem truy xuất nguồn gốc của Trung Quốc, từ năm 2018, huyện Lục Ngạn đã triển khai công tác chuẩn bị. Theo đó, huyện đã được phía Trung Quốc cấp 36 mã số vùng trồng cho tất cả diện tích vải thiều đủ điều kiện XK sang Trung Quốc; 3 cơ sở đóng gói được phía Trung Quốc chấp thuận đủ điều kiện. Tập đoàn Trung Kiểm (Trung Quốc) đã tiến hành kiểm tra việc cấp tem truy suất nguồn gốc trước khi dán vào các thùng hàng để vận chuyển sang Trung Quốc. Đối với mã vùng trồng năm 2019 mới được cấp và áp dụng, được sự hỗ trợ tích cực của các bộ, ngành trung ương, tỉnh Bắc Giang và sự chủ động của huyện nên người trồng vải trên địa bàn huyện không gặp nhiều khó khăn trong tổ chức thực hiện. “Đến nay, huyện đã hướng dẫn các hợp tác xã thực hiện quy trình thủ tục cấp mã số vùng trồng; thực hiện, đáp ứng đầy đủ những yêu cầu đối với các diện tích XK vải thiều sang Trung Quốc theo đường chính ngạch” - ông Cao Văn Hoàn cho biết.
Ông Vũ Lệnh Sánh - Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Lục Ngạn - cũng cho hay, từ năm 2010 đến nay, huyện Lục Ngạn đã giao cho các cơ quan chuyên môn, phòng nông nghiệp, trạm khuyến nông của huyện… tổ chức khoảng 140 lớp/năm tập huấn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Năm nay, huyện cũng tổ chức được100 lớp tập huấn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Ngày 24/5/2019, Sở Công Thương Bắc Giang tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm nông sản tại thị xã Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc. Tiếp đến, ngày 30/5, tổ chức Diễn đàn kinh tế sản xuất, tiêu thụ vải thiều và quảng bá các sản phẩm văn hóa, du lịch, nông sản của tỉnh Bắc Giang. Nguồn: báo Công thương |