Bạn đang ở đây

Thời điểm “vàng” cho thương mại điện tử Việt Nam

29/05/2019 14:46:23

 

thoi diem vang cho thuong mai dien tu viet nam
Hội thảo thu hút hơn 100 doanh nghiệp xuất khẩu, DN có hoạt động kinh doanh trực tuyến

Nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Đà Nẵng tiếp cận các kênh quảng bá sản phẩm qua thương mại điện tử, từ đó, cập nhật thông tin, tìm kiếm cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, ngày 24/5, Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam tại Đà Nẵng (VCCI Đà Nẵng) phối hợp với Innovative hub tổ chức hội thảo "Kinh doanh trực tuyến cùng Alibaba – Cơ hội vàng cho doanh nghiệp Việt Nam".

Trao đổi tại Hội thảo, bà Selina Xie - Quản lý thị trường của Alibaba.com tại Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh cách mạng số, Internet kết nối vạn vật (IoT) cách thức kinh doanh truyền thống như doanh nghiệp tham dự triển lãm quốc tế bằng cách đưa sản phẩm đến trực tiếp nước sở tại, cách quảng cáo truyền thống, hay mở những showroom bán lẻ truyền thống đã “lỗi thời”. Những cách làm truyền thống này rất tốn kém, hiệu quả không cao, tính lan tỏa của sản phẩm khó vượt ra khỏi phạm vi địa phương, quốc gia, nhất là đối với những doanh nghiệp tại khu vực miền Trung – nơi chủ yếu các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, nguồn lực tài chính hạn hẹp.

Ngược lại với kinh doanh truyền thống, sự ra đời của các nền tảng giao dịch TMĐT đã “xóa mờ” mọi khoảng cách địa lý, quy mô doanh nghiệp. Việc của doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp Đà Nẵng nói riêng đó là đã sẵn sàng cho “sân chơi  lớn” hay chưa, vì trong TMĐT “cá lớn nuốt cá bé” sẽ được đổi thành “cá nhanh ăn cá chậm”. “Các nền tảng thương mại điện tử như Alibaba sẽ nhanh chóng tạo ra cục diện thương mại hoàn toàn khác, bởi đây là “cầu nối” hiệu quả kết nối người bán và người mua quốc tế thông qua internet (B2B, B2C)”, bà Selina nói.

Còn bà Savannah Zheng, một doanh nghiệp kinh doanh thành công trên Alibaba.com thì cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều điểm yếu như “nặng” về chế biến thô, sản xuất đơn thuần, hàm lượng giá trị gia tăng chưa cao; doanh nghiệp không có nhiều thông tin về marketing TMĐT. Ngoài ra, rào cản ngôn ngữ cũng là một điểm trừ. Tuy nhiên, người bán Việt Nam đã dần có chỗ đứng trên thị trường TMĐT và Việt Nam lại là một thị trường được dự báo có tiềm năng phát triển TMĐT cực lớn.

Cũng theo bà Savannah Zheng, đây đang là cơ hội vàng cho thương mại điện tử Việt Nam phát triển bởi dân số Việt Nam trẻ phù hợp với đối tượng khách hàng của TMĐT ngày càng trẻ hóa; bởi cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ dẫn đến việc tìm kiếm hàng hóa ở một nước thứ ba…

Chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh thành công trên nền tảng TMĐT, bà Savannah Zheng cho rằng xu hướng của thương mại sẽ tiến tới TMĐT lên ngôi, hình thức kinh doanh của doanh nghiệp sẽ là O2O (online to offline) tức là kết hợp kinh doanh trực tuyến và kinh doanh truyền thống.

“Có 3 điều chính trong TMĐT đó là phải có chiến lược cho marketing O2O; phải có kỹ năng xử lý đơn hàng, xử lý đặt hàng; và phải chú ý nhiều đến rủi ro đối với logistics, nếu sợ rủi ro, hãy sử dụng điều khoản thanh toán. Và hãy nhớ: Khách hàng luôn luôn kiểm tra thông tin về doanh nghiệp trước khi mua hàng”, bà Savannah nói.

thoi diem vang cho thuong mai dien tu viet nam
Thương mại điện tử là xu thế tất yếu và Việt Nam đang là một thị trường tiềm năng của TMĐT, vì vậy, doanh nghiệp Việt phải nhanh chóng tham gia "sân chơi" này để giành "chủ động" trên "sân nhà" (Ảnh minh họa, nguồn Internet)

Đồng tình với quan điểm trên, bà Selina cho biết, Việt Nam là một trong những thị trường chiến lược quan trọng nhất của Alibaba.com trong thời gian tới. Cũng vì vậy, đơn vị này đang tiến hành chuỗi những hoạt động thúc đẩy doanh nghiệp Việt “lên sàn”, cụ thể ở đây là giao dịch điện tử qua Alibaba.com.

Đưa ra khuyến nghị cho doanh nghiệp khi muốn tham gia các sàn giao dịch điện tử thành công, nhất là những sàn giao dịch điện tử lớn, bà Selina cho rằng doanh nghiệp phải có cho mình 1 website được thiết kế chuyên nghiệp, đó phải thực sự là một “cửa hàng tiện lợi” online để người mua quốc tế có thể tìm hiểu những thông tin chi tiết, vụ thể nhất. Bên cạnh đó, đưa ra được thông tin mô tả chính xác khoa học nhất về sản phẩm, giá cả và điểm khu biệt, vượt trội của sản phẩm để người mua quốc tế dễ dàng chọn lựa. Phải ước lượng được khả năng cung cấp sản lượng hàng tháng là bao nhiêu, bảng giá sản phẩm được khuyến nghị nên để “mở” để người mua có thể tiến hành đàm phán. Đồng thời, người bán cũng cần phải có 1 cơ sở dữ liệu về các feedback (đánh giá, phản hồi) của sản phẩm; bảng so sánh với các sản phẩm cùng loại của đối thủ để nắm được điểm mạnh và điểm yếu của mình; và cơ sở dữ liệu về chi tiêu và quản lý ngân sách marketing.

Tại hội thảo, các diễn giả và doanh nghiệp cũng đã trao đổi về các điều kiện “cần” để doanh nghiệp Việt có thể tham gia các sàn giao dịch TMĐT lớn, các khó khăn trong việc thanh toán mua hàng, giao nhận sản phẩm; cũng như các tư vấn cụ thể cho các doanh nghiệp chỉ thuần gia công, sản xuất có thể trở thành nhà cung ứng trong hơn 2 triệu nhà cung ứng toàn cầu trên alibaba.com, từ đó, tìm cơ hội đầu ra cho sản phẩm của mình trên nền tảng TMĐT có 260 triệu người mua đến từ hơn 190 quốc gia của alibaba….

Nguồn: Báo Công thương