Bạn đang ở đây

Trạm Tấu chủ động ứng phó trước mọi tình huống

23/05/2019 10:10:26
Mưa lũ ở huyện Trạm Tấu thường gây ra sạt lở đất.

Mưa lũ ở huyện Trạm Tấu thường gây ra sạt lở đất.

 

Năm 2018, trên địa bàn huyện Trạm Tấu xảy ra 2 đợt rét đậm, rét hại; 7 đợt mưa, dông lốc; 2 đợt hoàn lưu bão, gây thiệt hại 16,5 tỷ đồng. Trong đó, 451 con gia súc bị chết; phải sơ tán 70 hộ dân đến nơi an toàn (13 hộ phải di dời khẩn cấp); 13 ha lúa, 3,5 ha ngô, sắn bị ngập úng, vùi lấp; 51 con gia súc, 50 con gia cầm bị chết; sạt lở 23.670 m3 đất đá; hư hỏng 73 công trình thủy lợi; đổ gẫy 5 cột điện hạ thế và hư hỏng, vùi lấp nhiều điểm trường học… 

 

Ngay khi thiên tai xảy ra, huyện Trạm Tấu đã huy động trên 1.400 lượt người hỗ trợ di chuyển người và tài sản cho 70 hộ tại các xã: Xà Hồ, Bản Công, Trạm Tấu, Làng Nhì, Tà Xi Láng, Phình Hồ, Túc Đán và thị trấn Trạm Tấu; hỗ trợ kinh phí 13 hộ có nhà di chuyển khẩn cấp; bố trí di dãn dân cư xen ghép 16 hộ; huy động máy móc, nhân lực khắc phục sạt lở đất đá trên trục đường tỉnh lộ 174 để thông xe kịp thời; khắc phục, sửa chữa các công trình thủy lợi bị hư hỏng do mưa, bão gây ra đảm bảo dẫn nước phục vụ sản xuất.

 

Qua đánh giá, nhờ sự chủ động của các cấp chính quyền, sự hỗ trợ kịp thời của các tổ chức, đoàn thể và nhân dân nên việc khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống nhân dân được triển khai nhanh chóng. Theo dự báo, năm nay, thiên tai tiếp tục có những diễn biến phức tạp, số lượng cơn bão ít nhưng cường độ mạnh và dị thường hơn; số lượng các đợt mưa không nhiều nhưng khốc liệt hơn năm 2018; lũ quét, sạt lở đất luôn là mối đe dọa tại các xã trong huyện. 

 

Bên cạnh đó, việc phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Trạm Tấu còn gặp nhiều khó khăn do địa hình đồi núi cao, phức tạp, chia cắt mạnh, dân cư sống không tập trung; thiên tai mưa bão diễn biến bất thường, mưa to kéo dài nhiều giờ gây thiệt hại nặng đến nhà ở, cây trồng, vật nuôi; việc tìm quỹ đất, lựa chọn khu vực an toàn để hỗ trợ di dời các hộ dân có nhà phải di chuyển khẩn cấp còn khó khăn; vẫn còn có hộ dân còn tư tưởng chủ quan trong phòng chống thiên tai, mưa lũ và rét đậm, rét hại.

 

Ông Nguyễn Thành Hưng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trạm Tấu cho biết: trước tình hình trên, để chủ động ứng phó trước mọi tình huống, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến kiến thức cho nhân dân về thiên tai và các biện pháp phòng tránh; tuyên truyền cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và nhân dân thực hiện phương châm 4 tại chỗ để hạn chế thấp nhất thiệt hại; đồng thời, tổ chức diễn tập cho các lực lượng, địa phương theo kế hoạch. 

 

Được biết, trên cơ sở các loại hình thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai thường xảy ra tại địa phương, huyện Trạm Tấu đã triển khai rà soát, xây dựng phương án ứng phó với thiên tai sát với thực tế, đặc biệt là các phương án phòng tránh lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, rét đậm rét hại, phương án sơ tán dân vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai; đảm bảo giao thông thông suốt; đảm bảo thông tin liên lạc trong mọi tình huống. 

 

Khi có thiên tai, mưa bão, các thành viên trong Ban Chỉ huy xuống địa bàn phụ trách, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện để chủ động đối phó với mưa lũ. Đặc biệt, để phòng tránh lũ quét, sạt lở đất, huyện tăng cường sử dụng có hiệu quả 2 trạm đo mưa tự động trên địa bàn để nắm bắt thông tin mưa, cảnh báo các xã, thị trấn chủ động phương án ứng phó; tổ chức rà soát những hộ nằm trong vùng nguy hiểm có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét để di dời đến nơi an toàn; chủ động dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm, thuốc, xăng, dầu và đảm bảo thông tin liên lạc cho vùng bị lũ quét, sạt lở đất…

Nguồn: báo Yên Bái