Bạn đang ở đây

Người dân cần bình tĩnh ứng phó với dịch tả lợn châu Phi

16/05/2019 10:05:32
Không ít người dân đang e dè khi chọn thịt lợn chế biến trong bữa ăn hàng ngày.

Không ít người dân đang e dè khi chọn thịt lợn chế biến trong bữa ăn hàng ngày.

 

Ngay khi trên địa bàn tỉnh xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi, ngành chức năng và chính quyền các địa phương đã tăng cường tuyên truyền, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, song tâm lý lo lắng, e ngại của người tiêu dùng khiến cho việc chăn nuôi lợn đang gặp nhiều khó khăn.

 

Chị Nguyễn Thị Tươi, người bán thịt lợn ở chợ Ngã tư Nam Cường thành phố Yên Bái chia sẻ: cứ mỗi lần có dịch bệnh gia súc, gia cầm là sức mua của người tiêu dùng giảm hẳn. Kể từ khi xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi tại huyện Văn Chấn vào đầu tháng 5 đến nay, một số người dân đã kiêng hẳn món thịt lợn. Chúng tôi đã giải thích rõ nguồn gốc sản phẩm, song không ít người vẫn nghi ngờ. Các hộ kinh doanh thịt lợn lại rơi vào tình trạng ế ẩm. Người tiêu dùng e ngại thịt lợn không chỉ người kinh doanh khó khăn mà các hộ chăn nuôi lợn cũng bị thua lỗ do không bán được sản phẩm.

 

Trước khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi, chị Tươi bán khoảng 50 - 60 kg lợn mỗi ngày, nhưng từ khi có dịch chị chỉ bán được 30 - 40 kg. Không chỉ có thịt lợn tươi sống, mặt hàng thực phẩm được chế biến từ thịt lợn cũng bị ảnh hưởng. 

 

Chị Trần Thị Kim Yến, người bán giò, chả, nem ở phường Nguyễn Phúc giãi bày: người tiêu dùng lo ngại dịch bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe là điều dễ hiểu. Vẫn biết bệnh dịch tả lợn châu Phi không lây sang người, nhưng khách hàng vẫn e ngại. Mong sao dịch bệnh qua nhanh để hoạt động kinh doanh trở lại bình thường…

 

Mấy ngày gần đây mặt hàng thịt lợn trên thị trường giảm tương đối mạnh. Trước khi bệnh dịch chưa xuất hiện tại Yên Bái, thịt lợn hơi thường giá 35.000 đồng/kg, nhưng nay giảm xuống còn 30.000 đồng/kg mà sức mua vẫn còn thấp. Nếu tình trạng này tiếp diễn và tăng lên sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình phát triển chăn nuôi lợn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang sát sao phối hợp với các địa phương khống chế sự lây lan của dịch tả lợn châu Phi. 

 

Ngay sau khi có dịch ngành lấy mẫu xét nghiệm, hướng dẫn công tác phun tiêu độc, khử trùng ổ dịch, thông báo cho người dân và các hộ chăn nuôi thuộc vùng bị dịch, uy hiếp thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tỉnh đã cấp phát thuốc sát trùng cùng các vật tư để thực hiện công tác phun tiêu độc khử trùng tại ổ dịch và vùng uy hiếp, vùng đệm.

 

Kinh nghiệm từ công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi trong những năm qua cho thấy, người chăn nuôi không nên hoang mang mà cần bình tĩnh ứng phó với bệnh dịch. Bên cạnh đó, rất cần sự đồng hành, chia sẻ khó khăn của người tiêu dùng đối với ngành chăn nuôi. Vì nếu đầu ra cho thịt lợn gặp khó khăn, người chăn nuôi bị thua lỗ, thậm chí kiệt quệ không có khả năng tái đầu tư chăn nuôi trở lại, làm giảm quy mô tổng đàn, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của ngành nông nghiệp. 

 

Vừa qua, UBND tỉnh đã có buổi họp khẩn cấp chỉ đạo ngành chuyên chức năng và UBND các huyện, thị, thành phố tập trung thực hiện các biện pháp ngăn chặn bệnh dịch để người dân yên tâm và đồng hành với cơ quan quản lý Nhà nước trong việc ngăn ngừa và kiểm soát lây lan dịch bệnh. 

 

Trong thời điểm hiện nay, cần tăng cường tập huấn kỹ thuật, nghiệp vụ cho người chăn nuôi về phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi; tuyên truyền, vận động người chăn nuôi, buôn bán kinh doanh thịt lợn thực hiện nghiêm túc 5 "không”, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm, không thực hiện các biện pháp chống dịch, để dịch lây lan; thường xuyên cung cấp thông tin về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho các cơ quan truyền thông đưa tin theo tinh thần vừa bảo đảm chống được dịch bệnh, vừa bảo đảm bảo vệ và phát triển chăn nuôi, tránh để người dân và cộng đồng hoang mang.

Nguồn: Báo Yên Bái