Ông Nguyễn Văn Bổng, Phó cục trưởng Cục Hải quan kiêm Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389 tỉnh Tây Ninh cho biết, chỉ tính riêng trong 3 tháng đầu năm 2019, các lực lượng chức năng của tỉnh này đã phát hiện 247 vụ buôn lậu hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại, trị giá hàng hóa vi phạm hơn 4,2 tỷ đồng. Hàng hóa vi phạm chủ yếu gồm thuốc lá, tiền tệ, rượu ngoại, pháo nổ, phụ tùng ô tô, xe máy, máy tính, mỹ phẩm, nước giải khát. Các cơ quan chức năng đã khởi tố hình sự 17 vụ án với 19 đối tượng về các hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ, pháo nổ, thuốc lá qua biên giới Tây Nam.
Theo ông Bổng, kết quả chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh Tây Ninh từ đầu năm đến nay so với trước là có giảm về tần suất hoạt động, số vụ và hàng hóa vi phạm. Tuy nhiên tình trạng buôn lậu hàng hóa qua biên giới, nhất là hàng cấm gần đây vẫn còn diễn biến phức tạp, mặc dù các lực lượng chống buôn lậu đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên những mặt trận nóng về hàng hóa nhập lậu.
Tây Ninh có 240 km đường biên giới giáp Campuchia, mùa này kênh rạch, đồng ruộng nước rút khô trơ đáy. Ông Trần Văn Bình, cư dân xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng cho biết, có những hôm nhiệt độ ngoài trời ở khu vực này lên tới 43 độ C, do đó hoạt động buôn lậu hàng hóa qua biên giới của các đối tượng dễ dàng hơn. Hàng lậu đi qua biên giới Tây Ninh nhiều nhất vẫn là địa bàn huyện Trảng Bàng (khu vực giáp với Long An), huyện Gò Dầu và huyện Tân Biên.
Ông Châu Thanh Long, quyền Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Tây Ninh cho biết, tình hình buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu qua biên giới khu vực Tây Ninh tăng giảm tùy vào sự kiểm soát của các lực lượng chống buôn lậu. Để chuyển hàng qua biên giới, các chủ đường dây, ổ nhóm buôn lậu thường thuê người địa phương đai vác hàng lậu qua biên giới, sau đó dùng xe máy, xe tải, xe khách đưa hàng lậu về TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương tiêu thụ.
Theo ông Võ Nguyên Nam, Phó trưởng Ban chỉ đạo 389 tỉnh An Giang, An Giang có 100 km đường biên giới giáp Campuchia và có nhiều kênh rạch, đường mòn, lối mở kết nối giữa hai quốc gia. Hoạt động buôn lậu sôi động nhất ở khu vực biên giới An Giang vào mùa nước nổi (tháng 8, 9 hàng năm), riêng mùa khô buôn lậu vẫn còn diễn ra khá phức tạp. Hàng lậu tràn qua biên giới tập trung ở khu vực kênh Ngọn Cả Hàng, xã Vĩnh Hội Đông; thị trấn Long Bình, huyện An Phú; thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên; xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu; Gò Tà Mâu, phường Vĩnh Ngươn, TP. Châu Đốc, các tuyến sông Hậu, sông Tiền, quốc lộ 91. Hàng lậu qua ngõ An Giang nhiều nhất là đường cát, thuốc lá, sắt thép phế lệu, hàng tiêu dùng. Tại An Giang, hoạt động buôn lậu thường có tổ chức, hình thành đường dây, ổ nhóm rất chặt chẽ. Khi đối tượng vận chuyển hàng lậu bị bắt không khai báo đối tượng chủ mưu, vì đa số họ là người nhà.
Chẳng hạn, ngày 9/4, lực lượng Bộ đội biên phòng tỉnh An Giang đã bắt giữ 3 vụ buôn lậu quy mô lớn sắt phế liệu, đường cát, vải cuộn từ Campuchia đưa về Việt Nam. Cụ thể, tại khu vực vành đai biên giới xã Khánh An, huyện An Phú, lực lượng kiểm tra đã bắt giữ một chiếc tàu chở khoảng 15 tấn sắt phế liệu nhập lậu từ Campuchia. Tại khu vực bến kho, xã Khánh An, huyện An Phú một chiếc ghe buôn lậu vải cuộn từ Campuchia bị bắt giữ. Đêm cùng ngày 9/4, lực lượng kiểm tra còn bắt giữ 20 bao (loại 50 kg/bao) đường cát không nhãn hiệu từ Campuchia về Việt Nam.
Lực lượng Công an tỉnh Long An bắt giữ thuốc lá nhập lậu từ biên giới Campuchia |
Trong 3 tháng đầu năm 2019, các lực lượng 389 tỉnh Long An phát hiện, xử lý 640 vụ vi phạm, trong đó có 241 vụ buôn lậu. Hàng lậu tịch thu nhiều nhất vẫn là thuốc lá với 520.881 gói, tịch thu 164 xe máy và 23 ô tô là phương tiện vận chuyển thuốc lá lậu. Cơ quan chức năng đã khởi tố 13 vụ án hình sự với 15 đối tượng, nhiều hơn cùng kỳ 7 vụ, chủ yếu là vận chuyển, buôn bán hàng lậu và hàng cấm.
Ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND kiêm Trưởng Ban chỉ đạo 389 tỉnh Long An cho biết, tình hình buôn lậu qua biên giới trên địa bàn tỉnh Long An từ đầu năm đến nay đã được các lực lượng kiểm soát, kìm chế giảm, không để phát sinh, hình thành các điểm tàng trữ, luồng tuyến buôn lậu mới. Mặt hàng nhập lậu chủ yếu lá thuốc lá, rượu ngoại, nước giải khát, bánh kẹo. Hoạt động buôn lậu chủ yếu tập trung trên tuyến biên giới huyện Đức Huệ và địa bàn thị xã Kiến Tường. Đối tượng tham gia buôn lậu là dân địa phương, phần lớn là người không có việc làm. Các đối tượng này đa số đều thông thạo địa bàn, nắm rõ quy luật, kế hoạch kiểm soát của các lực lượng chống buôn lậu để né tránh, khi phát hiện thì chống trả quyết liệt để bỏ hàng thoát thân. Phương thức hoạt động của ổ nhóm buôn lậu là thuê người mang vác hàng lậu qua biên giới, sau đó dùng ô tô 4 chỗ, 7 chỗ đưa hàng lậu vào sâu trong nội địa và chuyển tiếp đến các địa bàn như Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ.
Để chống hàng nhập lậu hiệu quả trên địa bàn Long An, ông Cần chỉ đạo các lực lượng chống buôn lậu cần nắm bắt địa bàn, tình hình buôn lậu; chủ động tổ chức lực lượng triển khai các giải pháp kiêm tra, kiêm soát để ngăn chặn kịp thời các đường dây, ổ nhóm tuồn hàng lậu qua biên giới. Xác minh các đối tượng, địa bàn, lĩnh vực, các mặt hàng trọng điểm để xây dụng kế hoạch thanh tra, kiểm tra. Mặt khác, các đơn vị cần đẩy mạnh thanh kiểm tra tra công vụ, phòng chống các biểu hiện tiêu cực trong cán bộ, viên chức thuộc lực lượng chống buôn lậu nhằm toàn tâm toàn ý với công việc chuyên môn.
Tại An Giang, các lực lượng QLTT, Hải quan, Công an, Bộ đội biên phòng đã được Ban Chỉ đạo 389 yêu cầu tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại các tuyến, địa bàn trọng điểm; đường mòn, lối mở, kênh, sông chung biên giới với Campuchia. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo 389 An Giang còn lên kế hoạch khảo sát, đẩy nhanh việc lắp đặt camera ở các tuyến đường, địa bàn tình trạng buôn lậu diễn biến phức tạp như khu vực huyện Tinh Biên, An Phú và TP Châu Đốc để theo dõi, phát hiện nhanh nhanh nhằm ngăn chặn kịp thời hàng lậu trước khi lưu thông trên thị trường. Đây là một giải pháp mới để loại trừ hàng nhập lậu vốn đang tràn ngập ở địa phương này.
Nguồn: báo Công thương