Bạn đang ở đây

Yên Bái nỗ lực dập dịch tả lợn châu Phi

09/05/2019 10:43:11

Ổ dịch thứ nhất, xuất hiện tại hộ ông Vũ Thanh Tùng ở Tổ dân phố 9 từ ngày 4/5 và ổ dịch thứ 2 xuất hiện tại hộ ông Phạm Ngọc Hưng ở Tổ dân phố 3 từ ngày 5/5. Hiện nay, huyện Văn Chấn, các ngành chức năng, hộ chăn nuôi đang nỗ lực dập dịch, khống chế lây lan bảo vệ đàn vật nuôi. 

 

Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm của Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương xác định mẫu bệnh phẩm dương tính vi rút bệnh dịch tả lợn châu Phi, các ngành chuyên môn của tỉnh và huyện Văn Chấn đã thành lập các đoàn triển khai ngay các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh dịch. Đến ngày 7/5/2019, tổng số lợn đã tiêu hủy của 2 hộ là 246 con với trọng lượng 18.668 kg (hộ ông Vũ Thanh Tùng 7 con; hộ ông Phạm Ngọc Hưng 239 con). 

 

Đồng thời, phun 121 lít thuốc sát trùng cùng với các vật tư để thực hiện công tác phun tiêu độc khử trùng tại ổ dịch và các vùng uy hiếp, vùng đệm. UBND thị trấn Nông trường Trần Phú đã thành lập chốt kiểm soát bệnh dịch tả lợn châu Phi tại Tổ dân phố 3 để tăng cường kiểm soát vận chuyển lợn ra vào ổ dịch, giám sát dịch bệnh các vùng uy hiếp, vùng đệm. 

 

 

Chốt phun tiêu độc khử trùng được lập tại Tổ dân phố số 3, thị trấn Nông trường Trần Phú để ngăn chặn dịch lây lan trên địa bàn.

 

Ông Đỗ Anh Thiện - Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Trần Phú cho biết: cùng với tiêu hủy, khử trùng, thị trấn tổ chức tuyên truyền tới mọi người dân để dân hiểu rõ sự nguy hiểm của dịch bệnh mà không tiêu thụ, vận chuyển lợn ra khỏi vùng dịch; huy động các lực lượng đến giúp gia đình có lợn bị dịch rắc vôi và phun tiêu độc khử trùng; thành lập chốt kiểm soát dịch bệnh ứng trực 24/24h, chốt chặn toàn bộ phương tiện và người ra vào vùng dịch... 

 

Qua đó cho thấy, địa phương đã tiến hành phân vùng (vùng tâm dịch, vùng uy hiếp và vùng đệm) và áp dụng biện pháp phòng dịch phù hợp như: phun khử trùng tiêu độc chuồng nuôi gia súc, gia cầm và môi trường xung quanh. Trong phạm vi 3 km tính từ tâm ổ dịch, phun khử trùng 1 lần/ngày và áp dụng trong vòng một tháng; đồng thời, rắc vôi bột toàn bộ đường làng, ngõ xóm và hệ thống cống rãnh. 

 

Song song với đó, huyện và thị trấn Nông trường Trần Phú đẩy mạnh tuyên truyền để người dân biết, chủ động phòng chống bệnh dịch. Nghiêm túc thực hiện 5 không (không giấu dịch, không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt xác lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt để chăn nuôi lợn). 

 

Ông Nguyễn Văn Toản - Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện cho biết: "Huyện thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của tỉnh từ công tác phòng ngừa, dập dịch cũng như tuyên truyền để người dân, nhất là các hộ chăn nuôi phòng chống bệnh dịch hiệu quả. Thực tế, huyện đã chuẩn bị các phương án đối phó với bệnh dịch tả lợn châu Phi ngay từ dịp tết Nguyên đán nên hoàn toàn chủ động trước tình hình bệnh dịch xảy ra. Việc dập dịch, phòng chống dịch lây lan tại các ổ dịch cũng như vùng uy hiếp, vùng đệm được thực hiện triệt để với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân". 

 

Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp, khó lường của bệnh dịch tả lợn châu Phi, dịch có thể bùng phát trên diện rộng bất cứ lúc nào nếu như chúng ta không quyết liệt dập dịch, phòng chống lây lan và phòng chống dịch hiệu quả. Để ứng phó, bảo vệ an toàn cho trên 863.000 con gia súc; trong đó, đàn lợn trên 549.000 con là một nhiệm vụ rất cấp bách hiện nay. 

 

Đối với huyện Văn Chấn đang có bệnh dịch tả lợn Châu Phi, tập trung tiến hành khoanh vùng ổ dịch tại các trang trại chăn nuôi, hộ chăn nuôi gia đình nơi phát hiện có vi rút bệnh dịch tả lợn châu Phi. Thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 1 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên; 3 lần/tuần trong 2 - 3 tuần tiếp theo; đồng thời, theo dõi lâm sàng và lấy mẫu xét nghiệm bất kỳ con lợn nào có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh để xác định vi rút bệnh dịch tả lợn châu Phi. 

 

Vùng bị dịch uy hiếp, trong phạm vi 3 km xung quanh ổ dịch, thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 1 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên; 3 lần/tuần trong 2 -3 tuần tiếp theo; đồng thời, theo dõi lâm sàng và lấy mẫu xét nghiệm bất kỳ con lợn nào có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh để xác định vi rút bệnh dịch tả lợn châu Phi. 

 

Vùng đệm, trong phạm vi 10 km xung quanh ổ dịch, thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc với tần suất 1 lần/tuần liên tục trong vòng 1 tháng kể từ khi có ổ dịch; đồng thời, thực hiện việc theo dõi lâm sàng và lấy mẫu xét nghiệm bất kỳ con lợn nào có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh để xác định vi rút bệnh dịch tả lợn châu Phi.

 

Nghiêm cấm vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn ra vào vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp; không vận chuyển lợn con, lợn giống ra vào vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp để nuôi tái đàn khi chưa có hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y. 

 

Đối với huyện, thị xã, thành phố chưa có dịch, phải tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm gửi phòng xét nghiệm có thẩm quyền để xét nghiệm, xác định chính xác tác nhân gây bệnh xử lý triệt để không để lây lan ra diện rộng; giảm thiểu tác động tiêu cực đến kinh tế, xã hội, môi trường do bệnh dịch tả lợn châu Phi gây ra; kiểm tra, đôn đốc giám sát và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm việc vận chuyển buôn bán lợn, sản phẩm từ lợn nhập lậu trên địa bàn tỉnh theo quy định; giám sát chặt chẽ nơi buôn bán, giết mổ, trung chuyển lợn; thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng sau mỗi đợt họp chợ, cơ sở giết mổ, nơi buôn bán lợn; xây dựng phương án đóng cửa chợ, cơ sở giết mổ, nơi buôn bán lợn, các sản phẩm của lợn và có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi.

 

Bệnh dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên đàn lợn và xảy ra với mọi lứa tuổi và mọi loại lợn. Bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ chết cao lên đến 100%. Virus gây ra bệnh dịch tả lợn châu Phi có sức đề kháng cao trong môi trường. Hiện nay, vẫn chưa có vắc - xin và thuốc đặc trị đặc hiệu bệnh dịch tả lợn châu Phi. Vì vậy, giải pháp phòng bệnh là chính, phát hiện và xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi ở phạm vi nhỏ và chưa lây lan. 

Nguồn: báo yên Bái