Bạn đang ở đây

Xúc tiến thương mại: Công cụ hữu hiệu thúc đẩy xuất khẩu bền vững

17/04/2019 09:57:31

Xuất khẩu thay đổi xu hướng

Khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Trong những năm qua, cơ cấu hàng hoá xuất khẩu (XK) của Việt Nam đã có sự thay đổi rõ rệt, tỷ trọng sản phẩm đã qua chế biến ngày một tăng. Việt Nam cũng dần khẳng định vị trí nguồn cung sản phẩm chất lượng cao trên thị trường thế giới.

xuc tien thuong mai cong cu huu hieu thuc day xuat khau ben vung
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: Xúc tiến thương mại là một trong những phương thức hữu hiệu thúc đẩy xuất khẩu

Với những hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, trong đó Hiệp định Đối tác toàn diện tiến bộ xuyên Thái Bình Dương chính thức có hiệu lực đã tạo sức hút mới với nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước cho phát triển sản xuất, cũng như thúc đẩy ngoại thương. Song song với đó, các doanh nghiệp (DN) phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó sự thay đổi xu hướng tiêu dùng, cũng như các tiêu chuẩn kỹ thuật tại thị trường nhập khẩu đang là trở ngại lớn.

“Theo xu hướng thị trường, thời gian tới, tăng trưởng XK sẽ theo hướng bền vững hơn. Có thể kim ngạch XK không tăng nhưng giá trị thu về của các DN sẽ cao hơn, thậm chí cao hơn nhiều so với hiện nay. Theo đó, phương thức xúc tiến XK, hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng DN Việt Nam cũng cần có sự thay đổi tương ứng, XK phát triển đồng bộ với tái cơ cấu sản xuất”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cũng phân tích: Với các FTA Việt Nam đã ký kết, để hưởng lợi, DN không chỉ phải thoả mãn hàng loạt các điều kiện khó như quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn kỹ thuật mà còn phải gắn kết với nhà nhập khẩu, chủ động tìm kiếm thị trường, chăm sóc khách hàng…

Khái niệm XK hiện cũng không còn bó hẹp ở việc DN đưa hàng hoá ra thị trường nước ngoài mà cung ứng sản phẩm cho các nhà sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam như samsung cũng là XK. Đây chính là phương thức XK tại chỗ, cũng đồng thời là cách giúp DN Việt Nam chen chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Việt Nam cũng như nhiều nước trong khối ASEAN, dịch vụ hỗ trợ XK, đặc biệt là logistics rất hạn chế. Hầu hết chi phí vận chuyển XK của Việt Nam do các DN FDI hưởng. Nếu làm chủ được dịch vụ này Việt Nam sẽ gia tăng đáng kể kim ngạch, chất lượng tăng trưởng XK cũng ở một tầm vóc mới, chủ động và bền vững hơn.

Sự lên ngôi của thương mại số là một điểm đáng lưu ý trong xu hướng XK hiện nay. Năm 2017, giá trị dòng số “nhúng” vào nền kinh tế đạt 81.000 tỷ đồng, giá trị XK số đạt tới 97.000 tỷ đồng. Năm 2030, các con số này được dự báo đạt tới 953.000 tỷ đồng và 652.000 tỷ đồng. “Thương mại số không chỉ đơn thuần là thương mại điện tử mà còn là đa dạng hình thức “nhúng” vào các ngành kinh tế với nhiều nền tảng số khác nhau, lĩnh vực rất màu mỡ cho DN Việt Nam khai thác trong tương lai”, ông Võ Trí Thành nhấn mạnh.

Bản thân xu hướng tiêu dùng của thế giới cũng đã có sự thay đổi. Yếu tố xanh, nhân văn, cá tính trong sản phẩm đòi hỏi ngày một đậm đặc. Cũng đồng thời mở ra cho các ngành sản xuất xanh gắn với văn hoá, sản phẩm thông minh và sáng tạo.

Xúc tiến thương mại giữ vai trò mở đường

Xu hướng XK mới của thị trường thế giới đòi hỏi thay đổi tương ứng từ các quốc gia cung ứng. Như sự trăn trở của ông Võ Trí Thành, thay đổi này đặt ra 3 câu hỏi lớn cho Việt Nam: Sự dịch chuyển dữ liệu xuyên biên giới, vai trò trung tâm của người tiêu dùng và dịch vụ hạ tầng.

xuc tien thuong mai cong cu huu hieu thuc day xuat khau ben vung
Các đại biểu đóng góp ý kiến cho Bộ Công Thương tìm ra phương thức xúc tiến xuất khẩu hiệu qủa

Ông Võ Trí Thành cũng cho rằng: Để trả lời câu hỏi này cần sự cộng hưởng sức mạnh của cả cơ quan quản lý Nhà nước và cộng đồng DN. Trong đó, XTTM là công cụ hữu hiệu và giữ vai trò mở đường cung cấp thông tin, hướng dẫn cách tiếp cận thị trường. XTTM không chỉ kết nối thị trường, quan trọng hơn là kết nối đối tác, bao gồm cả đối tác XK và nhập khẩu. Với thương mại số, tuy có tiềm năng lớn nhưng vẫn cần sự kết hợp nhuần nhuyễn với yếu tố con người trong giao dịch, chăm sóc khách hàng, sáng tạo sản phẩm.

Đứng ở góc độ đơn vị trực tiếp thực hiện các hoạt động XTTM, ông Vũ Bá Phú- Cục trưởng Cục XTTM bày tỏ: Kinh tế Việt Nam vẫn dựa vào XK, vì vậy trách nhiệm của cơ quan Nhà nước là làm sao duy trì được mức độ tăng trưởng XK cao và bền vững. Một đặc điểm nữa của nền kinh tế là DN vừa và nhỏ (DNVVN) chiếm đa số, nguồn lực có hạn, việc tự đi bươn chải vào các thị trường là quá sức. Vì vậy, Bộ Công Thương đã và đang nỗ lực thực hiện các hoạt động hỗ trợ DNVVN xúc tiến XK sao cho hiệu quả nhất, giảm tải sức ép nguồn lực.

Trong thời gian tới, bên cạnh hỗ trợ tham gia các hội chợ triển lãm, Bộ Công Thương sẽ thực hiện nhiều hơn hoạt động cung cấp thông tin thị trường, tư vấn XK, kết nối giữa người mua và người bán để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của DN. Đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức XTTM quốc tế, các tập đoàn thương mại điện tử lớn như Amazon nhằm gia tăng nguồn lực thực hiện XTTM cũng như mở cơ hội hợp tác cho DN Việt Nam. Ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến XK.

Với chủ đề “Đổi mới cách thức triển khai XTTM nhằm nâng cao hiệu quả xúc tiến XK”, Diễn đàn XK Việt Nam năm 2019 đã thu hút sự tham gia, đóng góp ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp XK, đại diện tổ chức XTTM đến từ Thuỵ Sỹ, Hà Lan… qua đó, giúp Bộ Công Thương có định hướng tốt hơn cho hoạt động XTTM trong thời gian tới.

Nguon: Bao Cong thuong