Báo cáo nhìn nhận trong năm 2019, Việt Nam có thể tận dụng được một số tác động tích cực từ diễn biến kinh tế thế giới, từ đó đóng góp vào thương mại, đầu tư và tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Theo đó, các diễn tiến thương mại thế giới, nhất là xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc có thể tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội thâm nhập sâu hơn vào thị trường Mỹ, khi hàng Trung Quốc đắt đỏ hơn. Cùng với đó Việt Nam có thể trở thành “điểm trũng” cho các dòng chảy vốn đầu tư quốc tế đang dịch chuyển mạnh nếu thể chế kinh tế, môi trường kinh doanh và năng suất lao động được cải thiện.
“Việt Nam sẽ tăng trưởng tiếp tục chủ yếu dựa vào đầu tư và thương mại quốc tế”, báo cáo viết.
Dưới góc độ các ngành sản xuất, kinh tế năm 2019 được thúc đẩy chủ yếu từ khu vực dịch vụ và sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo, với vai trò quan trọng của khu vực FDI. Kinh tế năm 2019 cũng sẽ có thêm “lực đẩy’ từ sự phục hồi vững chắc của ngành nông lâm thủy sản. Song hai “lực đẩy” truyền thống là công nghiệp khai khoáng đã tới hạn trong khi công nghiệp xây dựng bị chững lại do bất động sản bị thắt chặt.
Túy nhiên báo cáo trên cũng cho rằng, thương mại và kinh tế thế giới cũng có những tác động tiêu cực. Rõ nhất là với sự đóng góp lớn của khu vực FDI, Việt Nam đang ngày càng tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu được dẫn dắt bởi các nền kinh tế lớn. Với những bất ổn của xu hướng thương mại và đầu tư thế giới, các chuỗi sản xuất này có thể bị ảnh hưởng, thậm chí gián đoạn ở những khâu sản xuất tại Việt Nam.
Báo cáo này nhận định, rủi ro vĩ mô lớn nhất của kinh tế Việt Nam chính là rủi ro về tài khóa và đây cũng là lý do để báo cáo đánh giá kinh tế thường niên năm 2018 dành một chương riêng cho vấn đề này.
Trong khoảng 10 năm gần đây, Việt Nam luôn duy trì quy mô chi tiêu công ở mức cao, trong khi nguồn thu ngân sách không đủ để bù đắp, do vậy thâm hụt ngân sách nhà nước thường xuyên ở mức cao và hiện đang ở mức cao nhất trong khu vực. Dường như không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục vay nợ để bù đắp bội chi.
“Đây là rào cản đối với tăng trưởng dài hạn, tạo áp lực đối với ổn định kinh tế vĩ mô và khả năng kháng cự với các cú sốc của nền kinh tế. Đồng thời trong bối cảnh này, sẽ không còn nhiều không gian tài khóa cho việc thực hiện các biện pháp kích cầu cần thiết khi nền kinh tế gặp khó khăn”, báo cáo viết.
Bên cạnh đó, các tác giả của báo cáo cho rằng, cần củng cố và cải thiện hơn các cân đối vĩ mô, đặc biệt là ngân sách và nợ công; gia tăng tính nhất quán của các chính sách vĩ mô; xử lý triệt để hơn những rủi ro tài chính như tỷ lệ an toàn vốn, kiểm soát tín dụng và xử lý nợ xấu trong hệ thống tài chính ngân hàng.
Theo các chuyên gia, báo cáo đã thể hiện quan điểm riêng của các chuyên gia trường Đại học Kinh tế quốc dân, có tính phản biện chính sách một cách độc lập. Ngoài ra, điểm khác biệt với các báo cáo kinh tế thường niên của các đơn vị khác là ấn phẩm này đã được thực hiện thông qua các phương pháp định lượng với các mô hình kinh tế lượng, theo đó, bảo đảm những kết luận đưa ra được dựa trên những bằng chứng thực nghiệm, có căn cứ khoa học, có dẫn chứng cụ thể.
Nguồn: Báo Công thương