Bạn đang ở đây

Quảng Ninh: Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc

14/03/2019 08:29:43

Ông có thể cho biết thực trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái tại Quảng Ninh?

Năm 2018, các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 2.056 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 48,82 tỷ đồng; xử lý hình sự 58 vụ/55 đối tượng, xử lý vi phạm hành chính 2.298 trường hợp. Riêng lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) kiểm tra, xử lý 563 vụ hàng giả, vi phạm SHTT, phạt tiền 2,2 tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước.

quang ninh huy dong ca he thong chinh tri vao cuoc
Lực lượng QLTT tập trung kiểm soát thị trường

Tuy nhiên, do đặc thù vị trí địa lý tiếp giáp Trung Quốc cả trên bộ và trên biển, giao thông đi các tỉnh, thành phố thuận lợi nên Quảng Ninh được các đối tượng xấu coi là thị trường tiêu thụ và trung chuyển hàng giả, hàng lậu. Hàng lậu, hàng nhái, hàng vi phạm SHTT sau khi qua biên giới được các đối tượng chia nhỏ, thậm chí tháo rời từng bộ phận, vỏ, bao bì, linh kiện... đưa sâu vào nội địa tiêu thụ.

Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập kinh tế, một số đối tượng lợi dụng cơ chế thông thoáng trong nhập khẩu hàng hóa để gian lận thương mại, trà trộn hàng giả với hàng thật. Điển hình như vụ việc Cục Hải quan tỉnh phối hợp với Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) kiểm tra, phát hiện Công ty TNHH MTV TM Tổng hợp Bảo Tiến An không khai báo 57 mặt hàng và khai báo sai 12 mặt hàng là hàng hóa nhập khẩu theo 2 tờ khai hải quan với trị giá hàng hóa trên 7 tỷ đồng, trong đó có nhiều mặt hàng là hàng giả, vi phạm SHTT.

Thực tế, dù lực lượng QLTT cùng các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhưng vấn nạn hàng giả, hàng nhái, vi phạm SHTT vẫn hết sức phức tạp. Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân?

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên có nhiều, nhưng trong đó cơ bản vẫn là: Lực lượng trực tiếp làm công tác đấu tranh chống sản xuất, kinh doanh hàng giả còn mỏng trong khi đó, địa bàn trải rộng. Ngoài ra, thiếu cán bộ có đủ trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu công tác chống hàng giả, đặc biệt là vi phạm về SHTT.

Trong khi đó, lợi nhuận thu được từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả rất cao. Một bộ phận người tiêu dùng vẫn có xu thế chuộng hàng ngoại, hàng có thương hiệu nên hàng giả giá rẻ vẫn có chỗ đứng trên thị trường, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

quang ninh huy dong ca he thong chinh tri vao cuoc
Ông Bùi Văn Khắng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Hàng giả, hàng nhái hiện nay được sản xuất rất tinh vi, khó phân biệt với hàng thật, trong khi đó nhiều doanh nghiệp không đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa và chưa thực sự vào cuộc, phối hợp cùng các cơ quan chức năng.

Ngoài ra, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm còn gặp nhiều khó khăn do bất cập về văn bản quy phạm pháp luật. Công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật, nhận thức về hàng giả, vi phạm SHTT còn hạn chế, có nơi, có lúc chưa được quan tâm đúng mức từ cơ quan thực thi công vụ tới doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Năm 2019, tỉnh Quảng Ninh sẽ tập trung triển khai những giải pháp nào để kiểm soát, ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn, thưa ông?

Để kiểm soát tình hình, đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai một số giải pháp sau: Quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, đặc biệt triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.

Theo đó, chỉ đạo các ngành, lực lượng chức năng (thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh) tăng cường công tác nắm tình hình, khả năng dự báo, cảnh báo sát về tình hình, đối tượng, mặt hàng trọng điểm, phương thức, thủ đoạn chủ yếu và mới của các đối tượng để có phương án, kế hoạch đấu tranh hiệu quả, đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo, điều hành đảm bảo hiệu quả.

Giao trách nhiệm, địa bàn cụ thể cho các ngành, lực lượng chức năng, các địa phương phân công các đồng chí lãnh đạo phụ trách với vai trò Trưởng Ban Chỉ đạo 389 địa phương; đồng thời, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tổ chức đoàn thể.

Tập trung chỉ đạo các lực lượng chức năng triển khai thực hiện tốt chuyên đề, kế hoạch trọng điểm; rà soát các kho, điểm tập kết hàng hóa, đặc biệt tại các địa phương biên giới và tăng cường kiểm tra mặt hàng như: Xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc lá điếu, xì gà, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền...

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc các ngành, lực lượng chức năng trong thực hiện nhiệm vụ và hoạt động công vụ của cán bộ, chiến sỹ; kịp thời điều động, luân chuyển cán bộ, chiến sỹ tại các vị trí công tác nhạy cảm, dễ xảy ra tiêu cực; kiên quyết xử lý nghiêm trường hợp cán bộ, chiến sỹ thiếu tinh thần trách nhiệm, có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng, đảm bảo nội bộ trong sạch và không có “vùng cấm” trong công tác này.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tập trung đầu tư cơ sở vật chất, áp dụng khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, đăng ký bảo hộ thương hiệu... Người tiêu dùng tự nâng cao ý thức tự bảo vệ, mua hàng hóa rõ nguồn gốc, xuất xứ tại địa điểm kinh doanh uy tín; hưởng ứng tích cực Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Trân trọng cảm ơn ông!

Những năm qua, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh đã quán triệt, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ (SHTT).

Nguồn: báo Công thương