Hàng lậu, hàng giả diễn biến phức tạp
Cụ thể, trong tháng 10/2018, các cơ quan chức năng của TP. Hồ Chí Minh đã khởi tố 64 vụ với 59 đối tượng vi phạm trong lĩnh vực kinh tế. Trong đó có 15 vụ với 15 đối tượng vi phạm về kinh doanh hàng hóa không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không tem phụ; 11 vụ với 11 đối tượng vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu; 21 vụ với 16 đối tượng vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh hàng cấm; 2 vụ với 2 đối tượng kinh doanh không phép, không đúng nơi đăng ký kinh doanh, không đúng thời gian quy định; 5 vụ với 5 đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả nhãn hiệu các loại, hàng kém chất lượng. Ngoài ra, các cơ quan chức năng còn xử lý hành chính hàng nghìn vụ buôn bán hàng nhập lậu, sản xuất và kinh doanh hàng giả, nhái thương hiệu… cho thấy, tình trạng hàng dởm vẫn tiếp tục gây bất ổn thị trường, ảnh hưởng đến nền sản xuất hàng hóa trong nước và quyền lợi của người tiêu dùng.
Đồng hồ gắn mác các nhãn hiệu cao cấp có nguồn gốc từ Trung Quốc tại cửa hàng 149/25 Lê Thị Riêng, quận 1 bị lực lượng QLTT TP. Hồ Chí Minh phát hiện và tạm giữ |
Chẳng hạn, ngày 8/11, Đội QLTT số 29 Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh tổ chức kiểm tra cửa hàng kinh doanh đồng hồ đeo tay với nhiều nhãn hiệu nổi tiếng như Hublot, Rolex, Versace, Rado tại số 149/25 Lê Thị Riêng, quận 1 và phát hiện có nhiều sai phạm. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng QLTT số 29 đã phát hiện nhiều đồng hồ đang bày bán không có hoá đơn chứng từ. Hàng hóa vi phạm phần lớn có xuất xứ từ Trung Quốc và có dấu hiệu vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Còn theo thống kê của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến ngày 17/10/2018, lực lượng hải quan thành phố đã phát hiện 1.037 vụ vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm khoảng 375 tỷ đồng. Trong đó, có 13 vụ buôn lậu, 193 vụ gian lận thương mại, 732 vụ vi phạm về thủ tục hải quan, 77 vụ về ma túy. Riêng trong tháng 10/2018, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã xử lý 48 vụ vi phạm về hải quan.
Đơn cử, ngày 8/11, lực lượng hải quan TP. Hồ Chí Minh kiểm tra 1 container hàng nhập khẩu tại cảng Cát Lái, đã phát hiện lô hàng phụ tùng, máy móc ô tô cũ nhập lậu. Lô hàng do Công ty TNHH Giao nhận Vận tải Sun Flower (đường Hà Huy Giáp, quận 12) đứng tên mở tờ khai nhập khẩu, khai báo hàng hóa là động cơ máy thủy đã qua sử dụng và dây cáp chịu lực bằng thép nhưng thực tế hàng hóa nhập khẩu là phụ tùng, máy móc ô tô cũ. Theo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, ngoài 2 cuộn dây cáp, các loại phụ tùng, máy móc, linh kiện ô tô đều là hàng cấm nhập khẩu.
Trước đó, vào tháng 10/2018, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I đã lập biên bản vi phạm hành chính Công ty Cổ phần Tập đoàn TT (Nguyễn Văn Quá, quận 12) về hành vi khai sai chủng loại, sai mã số hàng hóa, thuế suất của 43.982 mét vải, trị giá hàng vi phạm 1,5 tỷ đồng; cơ quan hải quan đã truy thu thuế 107,6 triệu đồng và phạt 21,5 triệu đồng.
Sữa nhập lậu và hết hạn sử dụng đã được Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh tiêu hủy |
Tăng cường xử lý hàng lậu, hàng giả
Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về tăng cường kiểm soát, đấu tranh hoạt động buôn lậu, sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, UBND TP. Hồ Chí Minh đã giao các sở ngành, UBND các quận huyện triển khai ngăn chặn, phát hiện, xử lý những vi phạm trong lĩnh vực này.
Theo đó, lực lượng QLTT kiểm tra, kiểm soát thị trường bán lẻ, các đại lý, cửa hàng, kho bãi đề điều tra về các mặt hàng nhập lậu, hàng đã qua sử dụng. Lực lượng hải quan tăng cường kiểm soát các lô hàng quá cảnh, trung chuyển từ khâu nhập đến khâu xuất. Lực lượng công an tăng cường trinh sát để xác định đầu nậu, đường dây, tụ điểm buôn lậu, sản xuất hàng giả; chủ động phối hợp chặt với các lực lượng để ngăn chặn hàng hóa nhập lậu. UBND các quận huyện chỉ đạo các lực lượng chức năng chủ động kiểm soát trên địa bàn, không để tình trạng chứa trữ, kinh doanh, tiêu thụ các mặt hàng cấm, hàng lậu, hàng giả trên địa bàn.
Ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh nhìn nhận, tại các cảng của TP. Hồ Chí Minh, hàng hóa quá cảnh, chuyển tiếp, tạm nhập tái xuất hiện nay số lượng rất lớn, đặc biệt là các mặt hàng có thuế suất cao như rượu, thuốc lá, mỹ phẩm, điện thoại di động, máy điều hòa không khí... Theo ông Thắng, trong hoạt động phế liệu nhập khẩu quá cảnh, doanh nghiệp thường lợi dụng sự khai báo đơn giản để nhập khẩu hàng cấm hoặc thẩm lậu hàng hóa vào nội địa. Để ngăn chặn hàng cấm, hàng lậu qua cửa khẩu hải quan, ông Thắng cho biết, ngành hải quan thành phố ngoài tăng cường triển khai các kế hoạch về công tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thượng mại, hàng giả; tập trung đấu tranh phòng chống ma tuý, chống gian lận mặt hàng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất. Lực lượng hải quan của các đơn vị cũng đã tổ chức các đợt cao điểm chống buôn lậu theo các tuyến trọng điểm, mặt hàng trọng điểm và các lĩnh vực có nhiều rủi ro, xử lý hàng tồn đọng quá 90 ngày trước khi hàng cấm,hàng lậu tung ra thị trường.
Theo nhận định của Ban Chỉ đạo 389 TP. Hồ Chí Minh, từ nay đến cuối năm là cao điểm của các hoạt động buôn lậu, sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng vì thế các lực lượng kiểm tra, kiểm soát tập trung nhiều phương án để chốt chặn trước khi các loại hàng hóa này đưa vào thị trường.
Ông Nguyễn Văn Bách, quyền Cục trưởng Cục QLTT TP. Hồ Chi Minh cho biết, lực lượng QLTT thành phố đã lên phương án tăng cường tần suất kiểm tra, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng của các địa phương giáp ranh để ngăn chặn kịp thời hàng lậu, hàng giả. Tuy nhiên để chống hàng nhập lậu, hàng giả hiệu quả, ông Bách cho rằng, vai trò của các nhà sản xuất hàng hóa là quan trọng, cần hợp tác với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, tố giác tội phạm. Về phía người tiêu dùng cũng cần sự nâng cao tinh thần cảnh giác, trách nhiệm khi mua hàng và phải nhận thức rõ nhiệm vụ của mình trong việc chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là việc làm rất cần thiết. Việc làm này không chỉ để bảo vệ quyền và lợi ích của mình mà còn bảo vệ sự phát triển của nền kinh tế đất nước, chống lại các hành vi phá hoại, kìm hãm sự phát triển của sản xuất trong nước.
Nguồn: Báo Công thương