Cụ thể, tính đến hết tháng 10 năm 2018, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 202,03 tỷ USD, tăng 15,2% tương ứng tăng 26,67 tỷ USD so với cùng thời gian năm 2017.
Xuất nhập khẩu hàng hóa liên tục tăng trưởng rất cao |
Điện thoại và linh kiện vẫn là mặt hàng mà Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất trong 10 tháng qua, với kim ngạch đạt 41,44 tỷ USD. Đứng thứ hai là hàng dệt may với 25,17 tỷ USD.
Kế tiếp là máy tính và máy móc thiết bị, giày dép đều đạt kim ngạch trên 13 tỷ USD. Các mặt hàng khác như thủy sản, gỗ, phương tiện vận tải, máy ảnh, sắt thép đạt kim ngạch từ 3,8 - 7,2 tỷ USD.
Về nhập khẩu, tổng trị giá nhập khẩu trong 10 tháng đạt 194,82 tỷ USD, tăng 12,4% (tương ứng tăng 21,45 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2017.
Mặt hàng mà Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất trong 10 tháng qua là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với kim ngạch 34,69 tỷ USD. Đứng thứ hai là máy móc thiết bị với 27,61 tỷ USD.
Các nhóm hàng kế tiếp là điện thoại (12,68 tỷ USD); vải các loại (10,5 tỷ USD); sắt thép (8,3 tỷ USD)...
Với kết quả này, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước trong 10 tháng năm 2018 đạt 396,85 tỷ USD, tăng 13,8%, tương ứng tăng 48,12 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2017. Việc kim ngạch xuất nhập khẩu cán mốc 400 tỷ USD ngay trong tháng 11 là điều có thể đạt được.
Trong thành tích xuất nhập khẩu kể trên, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 259,79 tỷ USD, tăng 13,7% (tương ứng tăng 31,3 tỷ USD); trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 137,05 tỷ USD, tăng 14% (tương ứng tăng 16,82 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2017. Việc khối doanh nghiệp trong nước có mức tăng trưởng xuất nhập khẩu cao hơn doanh nghiệp FDI là dấu hiệu đáng mừng.
Đánh giá về tình hình xuất nhập khẩu thời gian qua, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, tăng trưởng xuất nhập khẩu, đặc biệt là xuất khẩu đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP, cải thiện cán cân thanh toán, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo hiệu ứng “lan tỏa” thúc đẩy sản xuất, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho hàng triệu lao động. Bên cạnh đó, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu đã chuyển dịch thành công. Nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng lớn nhất; tỷ trọng của hàng nông, thủy sản giảm còn 12,1% và nhóm nhiên liệu, khoáng sản chỉ còn chiếm tỷ trọng khoảng 2% là phù hợp với chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa nước ta. Đáng chú ý, hiện nay thị trường xuất khẩu đang được mở rộng, phát triển mạnh theo hướng đa dạng hóa, đa phương hóa. Cơ cấu thị trường xuất khẩu về cơ bản là tốt, đặc biệt là đối với nhóm hàng công nghiệp.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, để hướng tới xuất khẩu bền vững, vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam cần triển khai nhiều giải pháp tổng thể như: Mở rộng thị trường; tăng cường thông tin thị trường; cải cách thể chế, hoàn thiện hành lang pháp lý với xuất khẩu; tạo nguồn hàng có chất lượng và nâng cao giá trị gia tăng cho hàng hóa xuất khẩu…
Nguồn: Báo Công thương