Thống kê mới nhất của Bộ Công Thương cho thấy, có đến 5 nhóm hàng XK đạt mốc tỷ USD chỉ trong tháng 8 là điện thoại và linh kiện; dệt may; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; giày dép. Đây cũng là những nhóm hàng XK chủ lực của nước ta.
Cụ thể, tháng 8, kim ngạch XK điện thoại các loại và linh kiện ước đạt 4,4 tỷ USD, tăng 13,9% so với tháng trước. Hàng dệt may ước đạt 2,9 tỷ USD, tăng 1% so với tháng trước. Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 2,5 tỷ USD, tăng 0,2% so với tháng trước. Máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng ước đạt 1,35 tỷ USD, tăng 3,6% so với tháng trước. Hàng giày dép, ước đạt 1,4 tỷ USD. Trong tháng 8 vừa qua, riêng 5 nhóm hàng chủ lực đóng góp tới 60% tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Dệt may là nhóm hàng có kim ngạch XK lớn thứ 2 |
Từ đầu năm đến nay, 5 nhóm hàng chủ lực kể trên đều duy trì mức tăng trưởng cao với 4/5 nhóm hàng có tốc độ tăng trưởng 2 con số và cao hơn mức tăng trưởng XK chung của cả nước. Riêng nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện vẫn giữ vững vị trí là nhóm hàng XK chủ lực của nước ta. Tính chung 8 tháng, kim ngạch XK nhóm hàng này đã đạt 30,88 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tương đương khoảng 20% tổng kim ngạch XK của cả nước.
Yếu tố tích cực đưa XK điện thoại các loại và linh kiện nói riêng và hàng hóa Việt Nam nói chung tăng trưởng trong 2 tháng vừa qua là do Tập đoàn Samsung đã cho ra mắt sản phẩm mới điện thoại Galaxy Note 9 vào ngày 9/8 vừa qua. Đây được kỳ vọng là một trong những sản phẩm XK chủ lực cho Samsung nói riêng và cả ngành điện thoại nói chung trong những tháng cuối năm.
Tính chung trong tháng 8, tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước ước đạt 41,9 tỷ USD, tăng 1,5% so với tháng trước. Tính chung 8 tháng, tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước ước đạt 308,07 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó XK là 155,41 tỷ USD, tăng 14,5% và nhập khẩu là 152,66 tỷ USD, tăng 11,6%. Lũy kế hết tháng 8, cả nước vẫn thặng dư hơn 2,75 tỷ USD.
Dự kiến, từ nay đến cuối năm, kim ngạch XK có khả năng tăng trưởng mạnh do kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh đối với các mặt hàng là nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất hàng xuất khẩu như các mặt hàng nguyên, nhiên, phụ liệu phục vụ sản xuất như xăng dầu, nguyên phụ liệu dệt may, chất dẻo, ngô, cao su, bông, sắt thép. Đặc biệt là tăng trưởng sẽ tăng cao đối với một số mặt hàng công nghiệp có kim ngạch XK lớn, trong đó có các mặt hàng chủ lực kể trên khi bắt đầu vào chu kỳ tăng trưởng như điện thoại các loại và linh kiện, dệt may, giày dép, đồ gỗ… Đây cũng là động lực cho tăng trưởng XK khi các mặt hàng trong nhóm nông thủy sản phải đối mặt với nhiều khó khăn khi chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang khiến nhu cầu của Trung Quốc – thị trường lớn nhất của nông sản Việt giảm sút.
Ngoài ra, hiện Việt Nam đang tập trung hoàn thành việc phê chuẩn và đưa hai Hiệp định quan trọng là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đi vào thực thi vào năm 2019. Đây sẽ là động lực mới thúc đẩy tăng trưởng XK của Việt Nam trong năm 2019 và những năm tiếp theo.
Nguồn: Báo Công thương