Quyết định 34/2018/QĐ-TTg là thay đổi mang tính đột phá, nâng tầm chất lượng thực thi QLTT. Từ đó, không chỉ đảm bảo đời sống người dân mà còn ổn định thị trường, nền kinh tế của đất nước. Quyết định sẽ có hiệu lực từ ngày 12/10/2018.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu chỉ đạo |
Đến thời điểm đó, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, lực lượng QLTT cần tích cực triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ giải pháp: Quán triệt những yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đặt ra khi ban hành Quyết định 34/2018/QĐ-TTg.
Cụ thể, toàn lực lượng khẩn trương phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ triển khai xây dựng bộ máy tổ chức Tổng cục QLTT, thống nhất theo ngành dọc, từ Tổng cục đến Chi cục, các Đội… ở địa phương, trên cơ sở tiếp nhận nguyên trạng QLTT địa phương. Hoàn thiện bàn giao với UBND các địa phương, tổ chức xây dựng quy chế phối hợp công tác với địa phương trong việc cùng tham gia chỉ đạo lực lượng QLTT tại các khu vực, các địa phương, đảm bảo việc chuyển tiếp thuận lợi, nhanh chóng nhưng vẫn hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn. Phối hợp các lực lượng chức năng như biên phòng, cảnh sát kinh tế, hải quan, thuế… không để khoảng trống về pháp lý cũng như việc thực hiện nhiệm vụ của mình tại các địa bàn.
Đồng thời, nhanh chóng phối hợp các cơ quan chức năng trong Bộ Công Thương hoàn thiện các cơ chế phối hợp ngang giữa lực lượng QLTT với các đơn vị thuộc Bộ; quy trình nghiệp vụ của lực lượng QLTT để đảm bảo nhiệm vụ được thực hiện đầy đủ và hiệu quả.
Bộ trưởng hy vọng, mỗi cán bộ QLTT không chỉ là những công chức, viên chức giỏi nghiệp vụ, chuyên môn của mình mà còn có những hiểu biết chung về phát triển kinh tế xã hội, những khung khổ pháp lý chung; bên cạnh đó, phải có những phẩm chất của những người cán bộ thực sự là chỗ dựa cho doanh nghiệp, người dân. "Những hành vi cản trở hoạt động phát triển xã hội, trái với pháp luật là những hành vi nghiêm cấm đối với những cán bộ QLTT. Những hành vi có dấu hiệu trục lợi, cấu kết đối với những những hành vi vi phạm pháp luật để dung dưỡng các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại tiếp diễn cũng là những hành vi bị pháp luật nghiêm trị. Những hành vi tắc trách vì sự thiếu hiểu biết chuyên môn cũng là những hành vi không thể chấp nhận được và không thể dung dưỡng đối với lực lượng QLTT cũng như trong một bộ máy mới trong tổ chức bộ máy Bộ Công Thương" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Hội nghị trực tuyến Triển khai Quyết định 34/2018/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ |
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng mong muốn thời gian tới, lãnh đạo các địa phương tiếp tục phối hợp, hỗ trợ cho Tổng cục QLTT cũng như cho Bộ Công Thương để tiếp tục triển khai mối quan hệ hợp tác, chặt chẽ giữa Bộ với các cấp ủy đảng của địa phương.
Thời gian ngắn, chỉ còn 2 tháng, nhiệm vụ của các lãnh đạo Chi cục QLTT tại các địa phương rất quan trọng trong việc quán triệt và nắm bắt đầy đủ những yêu cầu, hướng dẫn, quy định cụ thể… trong quá trình tổ chức, phối hợp để chuyển giao lực lượng QLTT tại các địa phương cho Bộ Công Thương theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. “Chúng tôi mong muốn các đồng chí sẽ là cánh tay nối dài trong giai đoạn hiện nay cho Bộ Công Thương, cho Tổng cục QLTT để thực sự là chỗ dựa, là những đồng chí, đồng nghiệp, anh em của QLTT tại các địa phương” - Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng chỉ đạo Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Tài chính và Đổi mới doanh nghiệp, Văn phòng Bộ, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số… phối hợp với các Chi cục QLTT để triển khai, hướng dẫn các nội dung của Quyết định 34. Từ nay đến ngày 12/10, Bộ sẽ sớm có các quyết định, quy định về thủ tục hành chính nhằm đảm bảo chế độ, chính sách, điều kiện làm việc cho các cán bộ QLTT ở địa phương bao gồm: Quy chế phối hợp công tác giữa Bộ Công Thương (cụ thể là Tổng cục QLTT) với các cấp ủy đảng của địa phương, với các lực lượng chức năng, chuyên ngành; các hướng dẫn cụ thể để các cán bộ QLTT thực hiện nhiệm vụ chuyên môn… |
Tại Hội nghị, đại diện các Chi cục QLTT địa phương đã có những trao đổi thẳng thắn về những lo lắng, khó khăn sẽ gặp phải trong thời gian tới, đặc biệt trong quá trình chuyển giao. Ghi nhận những ý kiến đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An chia sẻ, dù khó khăn nhưng buộc phải thực hiện nghiêm túc. Đặc biệt, thời điểm hiện tại đã tiến gần về quý IV – giai đoạn “cao điểm” trong năm - đòi hỏi không chỉ lực lượng QLTT mà các đơn vị liên quan phải cùng tham gia chỉ đạo sát sao để vừa đảm bảo nhiệm vụ đặt ra, vừa hoàn thành việc chuyển giao lực lượng.
Ông Lý Quốc Hùng – Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - cho biết, Bộ Công Thương đã có văn bản số 6583/BCT –TCCB gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc phối hợp triển khai Quyết định 34/2018/QĐ-TTg. Trong đó có nêu rõ phương án chuyển giao các Chi cục QLTT về Bộ Công Thương.
Cụ thể, Tổng cục QLTT trực thuộc Bộ Công Thương được tổ chức thành hệ thống ngành dọc từ Trung ương đến địa phương theo đơn vị hành chính hoặc theo yêu cầu nhiệm vụ, đảm bảo nguyên tắc tập trung thống nhất.
Tổng cục QLTT gồm: Văn phòng Tổng cục, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Tổng hợp - Kế hoạch – Tài chính, Vụ Chính sách – Pháp chế, Vụ Thanh tra – Kiểm tra, Cục Nghiệp vụ QLTT. Văn phòng Tổng cục có 3 phòng và Trung tâm truyền thông QLTT. Cục Nghiệp vụ QLTT có 4 phòng. Các vụ thuộc Tổng cục không có cơ cấu phòng bên trong.
Tổ chức QLTT tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Cục QLTT cấp tỉnh) gồm: Cục QLTT tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cục QLTT liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cơ cấu tổ chức của Cục QLTT tỉnh có 3 phòng; Cục QLTT Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh không có quá 4 phòng; Cục QLTT liên tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương không có quá 5 phòng.
Đội QLTT cấp huyện trực thuộc QLTT cấp tỉnh gồm: đội QLTT huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Đội QLTT liên huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuôc Trung ương; Đội QLTT chuyên ngành; Đội QLTT cơ động. Các đội QLTT cấp huyện không tổ chức Phòng trực thuộc.
Văn phòng Tổng cục, Cục Nghiệp vụ QLTT, Cục QLTT cấp tỉnh và Đội QLTT có tư cách pháp nhân, con dấu riêng, trụ sở làm việc và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Đáng chú ý, “thực hiện Nghị quyết số 18- NQ/ TW ngày 25/10/207 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, ngay từ khi xây dựng Đề án thành lập Tổng cục QLTT, Bộ Công Thương đã có chủ trương tinh gọn bộ máy” – ông Vũ Quốc Anh – Vụ trưởng Vụ Tài chính và Đổi mới doanh nghiệp - cho biết thêm.
Theo đó, tại Trung ương sẽ tinh giảm từ 11 đơn vị xuống còn 6 đơn vị (giảm 45,5%). Việc tinh giảm được thực hiện ngay khi Quyết định 34/2018/QĐ-TTg có hiệu lực.
Tại địa phương, lực lượng QLTT cấp tỉnh: Theo lộ trình đến hết năm 2019 sẽ tinh giảm từ 63 đơn vị xuống còn 44 đơn vị thông qua phương án sắp xếp lại một số Cục QLTT cấp tỉnh thành Cục QLTT liên tỉnh. Theo đó, sắp xếp 38 Cục QLTT tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xuống còn 19 Cục QLTT liên tỉnh.
Đối với lực lượng QLTT cấp huyện tiến hành tinh giảm tổ chức bộ máy theo lộ trình sắp xếp lại các đội QLTT cấp huyện thành các Đội QLTT liên huyện theo mục tiêu giảm 305 đội trong vòng 3 năm (từ năm 2018 – 2020).
Bộ Công Thương đã giao Vụ Tổ chức cán bộ ra soát nhân sự, lên phương án báo cáo lãnh đạo Bộ để tạm thời giao phụ trách hoặc thực hiện quy trình bổ nhiệm cán bộ đối với các nhân sự đủ điều kiện kể từ ngày 12/10/2018.
Tương tự, để đảm bảo không bị gián đoạn nhiệm vụ xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh Đội trưởng, Bộ Công Thương đã rà soát danh sách các lãnh đạo các Đội QLTT, báo cáo phương án nhân sự để giao Quyền đội trưởng, Phó đội trưởng từ ngày 12/10/2018.
Nguồn: Báo Công thương