Lời giải cho bài toán tín dụng “đen”
Mở đầu bài phát biểu, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đi thẳng vào vấn đề mất cân đối cơ cấu thị trường vốn; mất cân đối giữa thị trường tín dụng với thị trường vốn, đặc biệt là tình trạng mất cân đối trong hoạt động tín dụng giữa tỷ trọng vốn với các dịch vụ gia tăng khác vì hiện nhiều tổ chức tín dụng vẫn vận hành chủ yếu dựa trên nền tảng hoạt động tín dụng.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý đến công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thị trường vốn để đảm bảo hoạt động minh bạch, nhất là đấu tranh chống gian lận, ngăn chặn tình trạng tín dụng “đen”.
Phó Thủ tướng cũng băn khoăn về chất lượng của các báo cáo kiểm toán, trách nghiệm của kiểm toán viên và công ty kiểm toán và thông qua diễn đàn, ông mong muốn được lắng nghe ý kiến của các chuyên gia về các vấn đề thị trường tài chính gắn với xây dựng và cải cách nền kinh tế.
Ông Warrick Cleine: Chính phủ cần có hệ thống giám sát, kiểm soát bộ phận tín dụng này rõ ràng, hiệu quả và có biện pháp để bảo hộ các hoạt động tín dụng chính thức khác |
Về vấn đề này, trong phần thảo luận, ông Hà Huy Tuấn - Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia – cho rằng, có bốn nguyên nhân khiến tín dụng “đen” nở rộ, lần lượt là: quỹ tín dụng “đen” tồn tại theo nhu cầu của người dân vì vay theo hình thức này khá nhanh gọn, không vướng điều kiện chặt chẽ như của ngân hàng; có tình trạng dùng nguồn vay từ tín dụng “đen” để trả nợ ngân hàng; sự phát triển công nghệ thông tin khiến cho cách tiếp cận trực tiếp giữa bên có nhu cầu vay và cho vay ngày càng trở nên thuận tiện; và người dân không muốn gửi tiền vào ngân hàng vì cho vay bên ngoài lãi suất cao hơn.
“Đối với thế giới, tín dụng đen đã tồn tại từ rất lâu dưới hình thức hoạt động như ngân hàng nhưng không được công nhận. Vì vậy, chúng ta đang đứng trước thực tiễn do cung cầu mà hình thức này tồn tại” – ông Tuấn khẳng định.
Trong khi đó, ông Warrick Cleine - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của KPMG tại Việt Nam và Campuchia - cho rằng, thay vì dùng từ tín dụng "đen" thì nên gọi là "tín dụng không chính thức" nhằm "tránh những ý tưởng không hay". Theo ông, Chính phủ cần có hệ thống giám sát, kiểm soát bộ phận tín dụng này rõ ràng, hiệu quả và có biện pháp để bảo hộ các hoạt động tín dụng chính thức khác.
“Câu hỏi đặt ra ở đây là chúng ta phải thể chế hóa, chính thức hóa những tín dụng “đen” như thế nào, cần đưa vào khuôn khổ ra sao để điều tiết thị trường này. Chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm của một số ngân hàng lớn ở Hà Lan" - ông Warrick Cleine gợi mở và nhấn mạnh sự cần thiết của công tác truyền thông, giáo dục người dân trong việc tiếp cận các quỹ tín dụng “đen”.
Tiếp lời, ông Nguyễn Kim Hùng – Tổng giám đốc Công ty CP Tái cấu trúc doanh nghiệp Việt (Verco) - cho rằng, trong việc hạn chế tín dụng “đen” thì vai trò của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân rất quan trọng. Theo đó, có những sàn của doanh nghiệp tư nhân có thể kết nối và thu hút 35.000 tỷ đồng trong 6 tháng. Do đó, nếu có cơ chế, khung pháp lý, nền tảng cho các doanh nghiệp sử dụng công nghệ thì các doanh nghiệp tư nhân sẵn sàng tham gia các giải pháp về vốn và sẽ hạn chế được tình trạng tín dụng “đen”.
Minh bạch hoá thị trường cổ phiếu
Thảo luận về vấn đề này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - Nguyễn Thị Hồng - cho rằng, thị trường tài chính trong những năm qua chưa phát triển đúng theo mong muốn nhưng thị trường chứng khoán và tiền tệ vẫn phát triển mạnh mẽ và trở thành kênh cung cấp vốn chủ yếu cho nền kinh tế.
Bà Nguyễn Thị Hồng: Ngân hàng Nhà nước đã chú trọng cân đối nguồn vốn để kiểm soát rủi ro, nhất là ở thị trường bất động sản, chứng khoán và chính sách lãi suất cũng khuyến khích nguồn vốn dài hạn để cải thiện nguồn vốn dài hạn |
“Những năm gần đây, thị trường chứng khoán có nhiều điểm đột phá. Vốn hóa thị trường chứng khoán năm 2017 tăng trên 70%. Với thị trường tiền tệ, tính chung, tỷ lệ tín dụng trên GDP khoảng 130%” – bà Hồng nói và cho biết, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp thấp, chỉ chiếm 1,25%, trong khi quy mô trái phiếu Chính phủ vẫn chiếm chủ yếu. Đây đều là nguồn vốn ngắn hạn nên nhu cầu vốn vay trung dài hạn lớn, tạo áp lực cho các tổ chức tín dụng.
Theo bà Hồng, trong những năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã chú trọng khắc phục những bất cập nói trên, trong đó, chú trọng cân đối nguồn vốn để kiểm soát rủi ro, nhất là ở thị trường bất động sản, chứng khoán và chính sách lãi suất cũng khuyến khích nguồn vốn dài hạn để cải thiện nguồn vốn dài hạn.
Còn theo ông Fiachra MacCana – Giám đốc Bộ phận phân tích, Công ty CP Chứng khoáng TP. Hồ Chí Minh - thì trong thị trường vốn, quỹ lưu ký có thể là giải pháp để nâng trần khối ngoại. Trong đó, chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết của nhà đầu tư nước ngoài và cổ phần vàng cho nhà nước được xem là cách để tăng sở hữu nước ngoài, giúp nhà đầu tư thâm nhập sâu hơn cho thị trường chứng khoán Việt Nam.
"Đây là sáng kiến mà Việt Nam đưa cách ra cách đây 10 năm, tôi thấy rằng nếu thực hiện thành công các bạn sẽ thu lợi nhiều từ vấn đề an ninh quốc gia" - ông Fiachra MacCana nhấn mạnh và cho rằng, vấn đề là phải minh bạch hóa thị trường cổ phiếu vì đây là yếu tố đóng vai trò quan trọng trong thị trường vốn.
Đưa ra giải pháp, ông Fiachra MacCana khuyến nghị phương án xác định mức độ không tuân thủ quy định minh bạch và có chế tài xử phạt nghiêm khắc. Cùng với đó là đẩy mạnh công tác truyền thông để nhà đầu tư cảm thấy yên tâm, thoải mái khi rót tiền vào Việt Nam bởi nếu thông tin sai, những khoản đầu tư có thể được tính toán sai lầm, gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
Diễn đàn đã ghi nhận nhiều phân tích và khuyến nghị có giá trị từ các chuyên gia tài chính trong và ngoài nước |
Góp ý từ thực tiễn hoạt động của đơn vị mình, ông Andy Ho - Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital – cho biết, khi mua trái phiếu doanh nghiệp, chúng tôi hy vọng doanh nghiệp sẽ được niêm yết trên sàn chứng khoán được đánh giá tín nhiệm. Do đó, chúng ta phải sử dụng cơ quan xếp hạng tín nhiệm được đánh giá cao trên thế giới để đảm bảo sau khi phát hành, những người sở hữu trái phiếu của doanh nghiệp sẽ không phải gặp vấn đề rủi ro. Và giải pháp, vị đại diện VinaCapital cho rằng, chúng ta có thể chỉ định một quỹ ủy thác hoặc cơ quan ủy thác đứng ra trong việc mua bán trái phiếu của doanh nghiệp, để tạo cảm giác thoải mái và an tâm khi họ mua trái phiếu, chứng khoán, cổ phiếu dưới những dạng thức đa dạng, đồng thời cần có môi trường về mặt pháp lý, chính sách minh bạch.
Với tư cách Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ông Trần Văn Dũng thông báo, với mục tiêu minh bạch thị trường cổ phiếu, hiện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xây dựng “Đề án xây dựng thị trường trái phiếu doanh nghiệp”.
"Chúng tôi thu thập các thông tin liên quan, Bộ Tài chính đang chỉ đạo để xây dựng trung tâm thị trường trái phiếu doanh nghiệp, xây dựng sàn giao dịch tập trung, trên cơ sở đó, nhà đầu tư có thể biết được giá của doanh nghiệp" - ông Dũng nói.
Nguồn: Báo Công thương