Với chủ đề “Bản địa hóa các mục tiêu phát triển bền vững và thực hiện xóa đói giảm nghèo”, Diễn đàn lần này sẽ xây dựng cách thức để lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững ở cấp khu vực và cấp quốc gia trong bối cảnh có sự bổ sung giữa Tầm nhìn ASEAN 2025 và các mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc.
Diễn đàn sẽ có sự tham dự của các quan chức chính phủ cao cấp phụ trách thực thi các mục tiêu phát triển bền vững ở 10 nước thành viên ASEAN, các chuyên gia, các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển, các tổ chức phi chính phủ/ các tổ chức xã hội dân sự và khu vực tư nhân. Sự đồng thuận và quyết tâm chính trị của tất cả các bên liên quan sẽ tạo điều kiện mở đường cho việc chuyển hóa và đạt được các mục tiêu cụ thể ở cấp địa phương, đặc biệt trong bối cảnh các nước thành viên ASEAN có sự khác biệt đa dạng về kinh tế, xã hội.
Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng Văn hóa Xã hội ASEAN Vongthep Arthakaivalvatee, nhấn mạnh việc lựa chọn địa điểm của Diễn đàn tại Siêm Riệp, Campuchia- nơi được ghi nhận là di sản thế giới nổi tiếng và thể hiện thành công của chính phủ Campuchia trong xóa đói giảm nghèo và bản địa hóa các mục tiêu phát triển bền vững. Là diễn đàn thứ ba trong loạt sự kiện “không bỏ lại đằng sau”, Diễn đàn này và các nghiên cứu “hướng tới hỗ trợ các nước thành viên ASEAN xây dựng chiến lược và chính sách nhằm thúc đẩy sự bổ sung giữa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững”.
Với ý nghĩa đó, trong chương trình nghị sự của Diễn đàn sẽ có cuộc thảo luận trực tiếp giữa những người tham dự với cộng đồng địa phương và các nhà hoạch định chính sách, nhằm cung cấp thông tin về lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững ở các địa phương. Các chủ đề khác như vấn đề giới, giảm rủi ro thiên tai, sinh kế bền vững cho nông dân và doanh nhân, xây dựng năng lực cho lực lượng lao động và cán bộ địa phương cũng sẽ được thảo luận. Các quan chức từ các nước thành viên ASEAN được lựa chọn sẽ chia sẻ các thông lệ thực tiễn về các khía cạnh của phát triển bền vững như thể chế, tham gia của các bên liên quan, theo dõi/ giám sát, năng lực, nguồn lực của các chính quyền địa phương, sáng tạo và đổi mới.
Tỷ lệ dân số trong khu vực kiếm được dưới 1,25 USD/ ngày dao động từ 17% đến 29%. Dân số già của ASEAN (những người trên 65 tuổi) dự kiến sẽ tăng từ 8% lên 28% tùy từng quốc gia thành viên vào năm 2030. ASEAN cũng sẽ cho thấy tốc độ đô thị hóa khác nhau từ 21% ở Campuchia đến 100% ở Singapore trong tương lai gần. Dự kiến đến năm 2030, khoảng 90 triệu người sẽ chuyển tới các thành phố ASEAN- nơi được kỳ vọng thúc đẩy 40% tăng trưởng kinh tế của khu vực./.
Nguồn: báo Công thương