Hiện nay ở Khánh Sơn, việc bán mua giữa nhà vườn với thương lái khá sôi động, ngày nào cũng có ô tô lớn đưa sầu riêng đi tiêu thụ. Thậm chí, nhiều thương lái đã vào tận vườn để chốt giá, đặt cọc với nhà vườn. Năm nay, giá sầu riêng liên tục thay đổi theo xu hướng tăng nên nhiều nhà vườn chưa muốn bán. Theo khảo sát, giá sầu riêng đang dao động quanh mức 50.000 đồng/kg, cao hơn cùng kỳ năm trước 10.000 đồng/kg. Tuy nhiên, do số lượng sầu riêng đầu vụ có hạn, trong khi thương lái đổ về đông nên phải chờ mới mua được hàng.
Thương lái vào tận vườn thu mua sầu riêng |
Năm trước, sầu riêng mất mùa, trái xấu, giá cả không cao lắm, nhưng năm nay, niềm vui của nông dân được nhân đôi khi sầu riêng đạt năng suất, chất lượng cao. Đặc biệt, sầu riêng năm nay trái đẹp, đều nên bán được giá hơn. Nhiều nhà vườn hiện đã chốt giá, bán hết số quả trên cây cho thương lái.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn, 1 héc-ta sầu riêng trong thời kỳ kinh doanh, người dân chỉ mất chi phí đầu tư từ 25 - 30 triệu đồng. Với thu nhập khoảng 400 - 500 triệu đồng/héc-ta như năm nay, bà con trồng sầu riêng đang có lợi nhuận cao. Tuy cơn bão số 12 đã tàn phá một số vườn cây, nhưng nhờ đầu tư, chăm sóc tốt, thời tiết khá thuận lợi, ít sâu bệnh nên năng suất sầu riêng năm nay đạt cao.
Nếu như trước đây, cây sầu riêng chỉ dành cho người Kinh có điều kiện về kinh tế, nắm bắt được kỹ thuật thì hiện nay nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số cũng đã trồng được sầu riêng và có thu nhập cao. Cây sầu riêng đang làm đổi thay cuộc sống lẫn nhận thức trong phát triển kinh tế của nhiều hộ đồng bào dân tộc Raglai tại địa phương.
Nguồn: Báo Công thương