Bạn đang ở đây

Yên Bái dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em

07/08/2018 08:16:06

Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam – Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về trẻ em. Dự  Hội nghị tại điểm cầu Yên Bái có đồng chí Dương Văn Tiến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh.


Sau khi Luật Trẻ em và Nghị định số 56/2017/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, đặc biệt sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 18/CT-TTg, công tác bảo vệ trẻ em đã có những chuyển biến tích cực từ truyền thông, giáo dục, nâng cao năng lực thực hiện và phối hợp thực hiện, tiếp nhận thông tin, thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em đến việc hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục.

 

Năm 2017, các địa phương đã tổ chức 2.258 lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý nhà nước về lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em; tập huấn cho gần 4 triệu lượt cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em các cấp, cha mẹ trẻ em và người chăm sóc trẻ về kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

 

Trong 2 năm 2016 -2017, tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em đã tư vấn 888 ca xâm hại tình dục trẻ em, 902 ca bạo lực trẻ em; 5 tháng đầu năm 2018 đã hỗ trợ can thiệp 321 ca, trong đó 143 ca bạo lực trẻ em (tăng 45 trường hợp so với cùng kỳ năm 2017), 87 ca xâm hại tình dục trẻ em (giảm 13 ca so với cùng kỳ năm 2017). Công tác rà soát hồ sơ, xử lý vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em, không để tồn đọng kéo dài cũng được các cơ quan tố tụng triển khai nghiêm túc.

 

Từ ngày 1/1/2016 đến ngày 31/3/2018, tòa án cấp sơ thẩm đã thụ lý 3.272 vụ việc liên quan đến bạo lực, xâm hại trẻ em với 3.468 bị cáo, đã giải quyết 95% số vụ và 94,7% bị cáo. Trong đó, tòa án đã tuyên phạt tù chung thân và tử hình 11 bị cáo, tù từ 3-7 năm 738 bị cáo, tù từ 3 năm trở xuống 1.304 bị cáo, còn lại là các hình phạt khác. Mức hình phạt mà tòa đã tuyên đảm bảo đúng quy định của pháp luật, góp phần kịp thời răn đe đối tượng phạm tội về bạo lực, xâm hại trẻ em trong tình hình hiện nay.


Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung nêu bật khó khăn tồn tại, vướng mắc, đồng thời đề ra các giải pháp để thực hiện tốt hơn công tác vệ trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong thời gian tới.

 

Một số ý kiến, giải pháp quan trọng là phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ đồng bộ giữa các bộ, ban, ngành, tổ chức xã hội và cộng đồng ở địa phương; xác lập cơ chế phối hợp phòng ngừa, xử lý vụ việc xâm hại trẻ em tại địa phương; tuyên truyền, giáo dục ý thức cảnh giác, phát hiện sớm, tự phòng ngừa các hoạt động xâm hại tình dục và hỗ trợ tư vấn pháp lý khi cần thiết; xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, cá nhân che giấu, không thông báo, không tố cáo vụ việc, hành vi xâm hại trẻ em…

 

Trong đó, giải pháp rất quan trọng là nâng cao trách nhiệm của chính quyền cấp cơ sở. Đây cũng là một trong những lý do Hội nghị trực tuyến có sự tham gia của cấp này.


Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên môn và các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội, đặc biệt ở cấp địa phương, cơ sở phải nhận thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn và quan tâm đúng mức hơn về công tác bảo vệ trẻ em. 

 

Thủ tướng đề nghị chủ tịch UBND cấp xã bố trí ngay người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã trong số các công chức cấp xã hoặc người hoạt động không chuyên trách thuộc quyền quản lý khi mà hiện nay toàn quốc mới có 590/11.162 người - khoảng 5% cấp xã bố trí; cần nghiên cứu, triển khai mô hình tổ chức, hoạt động của các nhóm chuyên trách bảo vệ trẻ em cấp xã do chủ tịch UBND cấp xã đứng đầu với thành phần gồm người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, công an xã, Đoàn thanh niên xã, Hội phụ nữ xã, nhân viên y tế thôn bản.

 

Các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền rà soát các quy định bảo đảm phù hợp với Luật Trẻ em, tiếp tục hoàn thiện theo hướng: việc xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em phải nhanh chóng, thuận lợi, thân thiện và bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em; cụ thể, rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, chính quyền.

 

Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các bộ, ngành liên quan có chương trình đào tạo, giáo dục kỹ năng tự bảo vệ mình cho các cháu, tùy theo lứa tuổi, giới tính; tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, đoàn thể, các cơ quan, tổ chức trong công tác bảo vệ trẻ em; Ủy ban Quốc gia về trẻ em định kỳ thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát, đánh giá tại các bộ, ngành, địa phương về thực hiện trách nhiệm bảo vệ trẻ em...

Nguồn: Báo Yên Bái